Giáo dục

Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp - Bài 3: Xác định rõ mục tiêu đào tạo

Nguyễn Hoài 14/03/2024 07:24

Để gỡ khó cho các trường phổ thông về dạy học tích hợp, từ năm 2019, một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sư phạm đã tuyển sinh ngành sư phạm liên môn, chuẩn bị đội ngũ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Thực tiễn cho thấy, việc đào tạo này cần được thực hiện ngay khi chương trình bắt đầu được triển khai.

anh-bai-chinh.jpg
Một hoạt động dạy học của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Ảnh: NTCC.

Chủ động chuẩn bị đội ngũ

Thiếu nguồn lực giáo viên (GV) là một trong những khó khăn hiện nay của các trường phổ thông khi triển khai dạy học tích hợp theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, khó khăn trên đang dần được tháo gỡ khi có nhiều sinh viên ra trường trở thành GV dạy học tích hợp. Ghi nhận tại một số cơ sở giáo dục sư phạm trên cả nước cho thấy, hiện các trường đã chủ động mở ngành đào tạo GV dạy môn tích hợp.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Đào tạo ĐH và công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cho biết, từ năm 2019, trường đã xây dựng chương trình và được phê duyệt cho phép tuyển sinh ngành sư phạm liên môn. Năm 2020, trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Năm 2021, khóa đầu tiên của ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên (KHTN) được triển khai. Đây là ngành đào tạo GV giảng dạy lĩnh vực KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) tại các trường THCS theo chương trình mới. “Cho đến nay, nhà trường đang tổ chức đào tạo theo kế hoạch và tháng 6 tới sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp của ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý” - bà Thoa cho biết.

Từ năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh và đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, năm 2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh ngành này và bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm KHTN. Ngành học này được mở ra nhằm đáp ứng được nhu cầu xã hội về đội ngũ GV có thể dạy học tích hợp; chương trình thường xuyên cập nhật, đảm bảo phù hợp với thực tế.

Theo ông Thụ, mặc dù là ngành mới được phép đào tạo nhưng nhà trường đã có sự chuẩn bị từ năm 2015. Sau khi có dự thảo chương trình GDPT mới, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã tích cực chuẩn bị về mặt đội ngũ, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo các ngành tích hợp. Song song với đó là việc chuẩn bị xây dựng chương trình đào tạo và xúc tiến các bước chuẩn bị cho việc xây dựng đề án mở ngành trình Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu tuyển sinh, đào tạo ngành Lịch sử - Địa lý và KHTN trình độ ĐH theo quyết định vừa được Bộ GDĐT ký. Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở ngành đào tạo GV môn tích hợp sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình GDPT mới với sự ra đời của các môn học tích hợp.

Đổi mới chương trình đào tạo

Trong việc mở ngành đào tạo GV môn tích hợp, các trường sư phạm hướng tới mục tiêu đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường thích ứng và giảng dạy tốt bộ môn tích hợp, khắc phục được những khó khăn của GV hiện nay. Theo các trường, đây là giải pháp trang bị kiến thức bài bản, giúp thầy cô tự tin đứng lớp.

Là một trong 7 trường sư phạm chủ chốt của cả nước, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế thường xuyên cập nhật trong chương trình đào tạo các vấn đề đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Những nội dung liên quan tới bồi dưỡng GV được nhà trường nghiên cứu và chuyển hóa linh hoạt vào trong các chương trình đào tạo để khi sinh viên ra trường tiếp cận ngay với nội dung chương trình phổ thông. 3 năm qua, số lượng sinh viên đăng ký vào học môn tích hợp đảm bảo chỉ tiêu Bộ GDĐT giao. Hiện nhà trường đang chờ Bộ GDĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024.

Sau gần một năm đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, phản hồi từ phía sinh viên và dư luận thí sinh rất tích cực. Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức đánh giá tổng thể và cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo. Đối với 2 chương trình đào tạo tích hợp, bên cạnh hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, nhà trường tận dụng triệt để lợi thế của công nghệ. Hệ thống các bài thí nghiệm, thực hành được xây dựng trên cơ sở sử dụng ưu thế của công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Sinh viên được đào tạo kỹ năng khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thiết kế kế hoạch bài giảng cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo để áp dụng cho từng tiến trình dạy học.

Để thí sinh yên tâm lựa chọn ngành học tích hợp, sinh viên yên tâm học tập, nhà trường có bước đi quan trọng đó là bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với 2 ngành tích hợp này. Hiện nay, nhà trường đã và đang làm việc với một số trường ĐH danh tiếng và một số chuyên gia nước ngoài để thiết kế chương trình đào tạo sau ĐH có tính tích hợp.

Tăng thời gian đào tạo

Đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các trường sư phạm, song nhiều chuyên gia cho rằng, việc các trường sư phạm cần thay đổi mục tiêu, chương trình, mô hình đào tạo đã trở thành yêu cầu bức thiết từ lâu. Thực tế có rất ít sự thay đổi ở các trường đào tạo GV để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đánh giá tổng kết của Bộ GDĐT cũng cho thấy, sau 3 năm triển khai chương trình mới, GV khối THCS vẫn còn loay hoay khi dạy môn tích hợp. Mặc dù đã có kế hoạch từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có đội ngũ sinh viên ngành sư phạm được đào tạo bài bản, chính quy từ các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng theo yêu cầu của nội dung mới.

Trong khi ở nhiều nước phát triển, môn học tích hợp đã có từ lâu và mức độ tích hợp tương đối cao thì ở Việt Nam, tích hợp đang là môn học mới và việc triển khai đào tạo GV dạy môn học này đang nhận được nhiều sự quan tâm. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Đinh Quang Báo - Chủ biên chương trình môn Sinh học, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, trong thời đại hiện nay, bất kỳ môn học nào cũng cần sự tiếp cận tích hợp chứ không phải riêng môn KHTN hay Lịch sử - Địa lý. Ở môn KHTN, GV dạy môn học này phải trang bị cho học trò nguyên lý chung nhất của sự vật, hiện tượng tự nhiên. Từ đó, đòi hỏi các trường sư phạm đào tạo sinh viên môn tích hợp làm sao để các em sau khi ra trường, đứng lớp vừa dạy học trò những kiến thức cơ bản của lĩnh vực ấy vừa biết kết nối những nguyên liệu cơ bản để hướng dẫn tổ chức học trò khái quát thành nguyên lý vận động của KHTN.

Hoan nghênh sự vào cuộc của các trường sư phạm, song PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam chỉ ra rằng, vấn đề đặt ra hiện nay với các trường sư phạm là phải làm tốt chương trình đào tạo, thậm chí trường làm tốt rồi cũng cần phải củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chứ không phải lấy giảng viên dạy Vật lý phân công dạy Vật lý, hay GV dạy Hóa học, Sinh học dạy Hóa, Sinh.

Cùng đó, ông Vỳ đề xuất thời gian đào tạo có thể dài hơn 4 năm thì mới đảm bảo chất lượng đầu ra. Các trường cũng cần lưu ý đến cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên học tích hợp. Bởi thực tế hiện nay, nhiều trường THCS đã đủ biên chế GV dạy các đơn môn: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. “Từ thực tế này, việc tăng biên chế GV dạy các môn tích hợp ở các trường THPT cũng cần phải tính toán trong thời gian tới” - ông Vỳ nói.

anh-kem-box.jpg

Chưa nói tới chất lượng, nhiều địa phương hiện chưa đủ về số lượng giáo viên dạy tích hợp. Để giải quyết bài toán này, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong những năm tới, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. Theo đó, về lâu dài, cần mở thêm mã ngành và bổ sung nguồn tuyển sinh cho cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là những môn mới, môn tích hợp. Muốn vậy, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu, đặt hàng, định mức, cơ chế quản lý trong triển khai Nghị định 116/2020 của Chính phủ. Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đặt hàng đào tạo giáo viên theo yêu cầu.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp - Bài 3: Xác định rõ mục tiêu đào tạo