Dạy và học tiếng Anh: Thúc đẩy kỹ năng nghe nói

PHƯƠNG LINH 12/11/2023 08:31

Thời gian qua, nhiều học sinh điểm thi ngữ pháp cao, thậm chí đã có chứng chỉ IELTS… Tuy vậy, thực tế cho thấy, khả năng nghe nói tiếng Anh lại không tốt. Theo giới chuyên gia, cần khắc phục điều này trong giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Sinh viên giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thắng.

Cần tăng thời gian thực hành

Theo thống kê, hiện thế giới có hơn 2 tỷ người sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Ở Việt Nam, tiếng Anh cũng là ngoại ngữ được nhiều học sinh lựa chọn, nhiều gia đình đầu tư cho con đi học. Gần đây rộ lên việc cho con học tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ IELTS. Vì với các bạn học sinh, chứng chỉ này có thể quy đổi điểm thi, tuyển thẳng vào đại học… Do đó, ngày càng có nhiều phụ huynh cho con luyện thi IELTS từ rất sớm. Với sự đầu tư của gia đình, sự nỗ lực của các em, về mặt điểm số, hiện nay có nhiều học sinh Việt Nam đạt mức điểm IELTS 6.5 - 7.0, thậm chí là 8.5. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh được miễn thi tiếng Anh cũng tăng trên 40.000.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, IELTS hay những điểm số cao chưa hẳn là “giá trị đích thực” để đánh giá năng lực tiếng Anh, trình độ học thuật và tư duy của học sinh. Cụ thể, một số chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ Anh đều đưa ra những lời khuyên cho học sinh và phụ huynh về việc nhìn nhận đúng vai trò của tiếng Anh là một công cụ ngôn ngữ để mở ra kho tàng kiến thức, khả năng giao tiếp trong xu hướng thế giới hội nhập.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Ở cấp tiền tiểu học và tiểu học thì việc nghe những bài hát tiếng Anh, xem phim hoạt hình để các em “ngấm” từ từ. Đến giai đoạn THCS, ngoài trang bị kỹ năng sử dụng tiếng Anh, các em cần phải biết tận dụng ngôn ngữ này để “thấm hút” những kiến thức mới, trang bị những kỹ năng cần thiết hay là mở rộng mối quan hệ với bạn bè quốc tế… Bởi thực tế cho thấy, nhiều từ vựng trong IELTS chỉ sử dụng trong trường học còn trong đời sống thực tế, mọi người sử dụng các câu đơn giản, thiên về văn nói. Quen với những mẫu câu trang trọng, hàn lâm trong IELTS, không ít du học sinh thấy bối rối khi giao tiếp đời thường.

Đây cũng một trong các là nguyên nhân dẫn tới câu chuyện học sinh Việt Nam ngại giao tiếp bằng tiếng Anh. Một số trường hợp thì mặc cảm, tự ti vì khả năng giao tiếp hạn chế. Ngay cả khả năng nghe giảng trực tiếp bằng tiếng Anh của nhiều em có IELTS 8.0 cũng là một thách thức.

Theo bà Mina Patel - chuyên gia Nghiên cứu khảo thí của Hội đồng Anh, tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ hàng đầu để phục vụ trong học tập và công việc. Nhưng để việc học tiếng Anh hiệu quả, vẫn cần một số điều chỉnh trong cách thức giảng dạy.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu - Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GDĐT) cho rằng, nhiều người dù đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng không nói được tiếng Anh là do phương pháp giảng dạy trước đây “không thiên theo hướng giao tiếp, do đó học sinh được học về ngữ âm nhiều hơn nghe - nói, đồng thời cũng không có môi trường sử dụng”. “Hiện nay, học sinh học tiếng Anh nhưng chưa có nhiều môi trường để giao tiếp, thực hành. Ngoài ra các bài thi, trong đó có bài thi tốt nghiệp THPT, không đánh giá kỹ năng nghe - nói nên chưa phát huy hết khả năng của người học”, TS Mai Hữu chia sẻ.

Có nên “săn Tây” luyện ngoại ngữ?

Các chuyên gia đồng tình ở điểm, đối với học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, càng thực hành nhiều càng tốt. Trong khi môi trường học tập có những hạn chế nhất định, nhiều phụ huynh khuyến khích con đến các không gian công cộng, điểm du lịch để tăng cường giao lưu, trò chuyện với người nước ngoài. Tại Hà Nội, các địa điểm như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng… hình ảnh học sinh, sinh viên chủ động làm quen, trò chuyện với khách du lịch nước ngoài rất phổ biến.

Em Bùi Thu Thủy (học sinh Trường THCS Đống Đa) cho biết, hàng tuần được bố mẹ đưa lên các điểm đông khách nước ngoài vừa để thư giãn vừa tranh thủ nói chuyến với du khách nước ngoài. “Ban đầu em cũng rất ngại, nhưng sau vài ba lần thì quen dần. Người nước ngoài đa phần cởi mở, vui tính nên việc trò chuyện, tương tác cũng không quá phải đắn đo”, Thu Thủy cho biết.

Quan sát thực tế một buổi sáng cuối tuần tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm có thể nhận thấy các bạn trẻ “săn Tây” để nói tiếng Anh khá đông. Học sinh tiểu học cũng có, nhưng đa phần là học sinh THPT và sinh viên đại học. Bạn Trần Phương Linh, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc tranh thủ giao tiếp với du khách nước ngoài giúp Linh rèn được nhiều kỹ năng giao tiếp, khắc phục tính rụt rè. Sau 3 tháng, Linh và các bạn trong nhóm đã quen và bạo dạn hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.

Tuy nhiên, việc “săn Tây” cũng có tính hai mặt mà các bạn trẻ cần lưu ý. Trong đó, theo các chuyên gia, trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với người nước ngoài, nhất định phải hỏi họ có đồng ý dành thời gian cho một cuộc trò chuyện nhỏ với mình hay không. Việc này sẽ hạn chế sự làm phiền du khách, thậm chí mang lại sự khó chịu khi trải nghiệm du lịch tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số giáo viên tiếng Anh lưu ý, không phải khách nước ngoài nào cũng nói tiếng Anh chuẩn nên cần tạo màng lọc tốt khi áp dụng phương pháp nói chuyện với du khách nước ngoài để học ngoại ngữ. Việc luyện nghe, luyện nói với người mới bắt đầu có “một chút” vốn liếng tiếng Anh nếu không được tiếp cận với những cách phát âm chuẩn dễ ảnh hưởng đến việc nghe nói tiếng Anh sau này.

Theo anh Bùi Minh Đức - học viên thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark (Mỹ), “săn Tây” xuất phát từ mục tiêu rất tốt nhằm cải thiện việc học tiếng Anh. Khi trường lớp chưa thể cung cấp đủ điều kiện cho người học giao tiếp, trò chuyện với người bản xứ cùng việc Internet chưa phổ cập như hiện nay, "săn Tây" là cách sáng tạo để học sinh, sinh viên chủ động với việc học tiếng Anh. “Tuy nhiên, hình thức này có nhiều bất cập và thật sai lầm khi nghĩ phải làm việc này mới giỏi tiếng Anh. Hoạt động này không còn phù hợp ở hiện tại và tôi cho rằng nên dừng việc này”, anh Đức nêu quan điểm, đồng thời gợi ý một phương pháp rèn luyện kỹ năng nghe nói khác: Sự phát triển của Internet giúp thế hệ trẻ tiếp cận vô vàn tài liệu học tiếng Anh. Rất nhiều chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ giúp kết nối người học với các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Australia, Anh... Mạng xã hội cũng giúp bạn dễ dàng tìm kiếm những người bạn để luyện tập tiếng Anh, từ các cộng đồng người nước ngoài sống tại Việt Nam cho đến những hội nhóm du học. Việc trao đổi ngôn ngữ giờ đây đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều nhờ Internet.

Tham gia các câu lạc bộ, tổ chức sinh viên cũng là cách tốt. “Hãy dành nhiều thời gian để thực hành tiếng Anh thông qua các hình thức đa dạng như đọc báo, xem phim tài liệu, các nội dung giảng dạy bằng tiếng Anh. Ở Việt Nam bây giờ, những chương trình trao đổi văn hóa cũng phổ biến hơn. Các bạn trẻ có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo, giao lưu với sinh viên quốc tế… Với tôi, đây là những cách để thực hành tiếng Anh một cách hiệu quả mà không khiến ai cảm thấy khó chịu”, anh Đức chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy và học tiếng Anh: Thúc đẩy kỹ năng nghe nói