Để di sản sống trong đời sống đương đại

CẨM ANH 13/11/2023 10:53

Là một trong những di sản được công nhận từ rất sớm (năm 1994, được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới), Vịnh Hạ Long những ngày qua một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận. Và thêm một lần nữa câu chuyện giữa bảo tồn giữ gìn di sản với bài toán phát triển kinh tế được đặt ra.

Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) trong nhiều năm được coi như mẫu mực về giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn, để chính di sản đem lại sự thịnh vượng cho người dân.

Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, với khu vực bảo vệ I (vùng lõi) quy mô diện tích 434km², được giới hạn bởi 3 điểm là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Công bằng mà nói, nhiều thập niên qua, du lịch Việt Nam phát triển có sự đóng góp rất lớn của kỳ quan Vịnh Hạ Long. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lựa chọn Vịnh Hạ Long như một điểm đến hàng đầu.

Nhưng trong cơn lốc phát triển du lịch và sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản, Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với những sự xâm lấn không hề nhẹ. Di sản suy cho cùng cũng là để “đẻ trứng vàng”, nhưng nếu làm thay đổi không gian, đe dọa đến sự toàn vẹn của môi trường cảnh quan thì du khách sẽ quay lưng với di sản.

Vịnh Hạ Long hay bất cứ di sản nào cũng đã, đang và sẽ gặp phải sự lúng túng trong phát triển. Hà Nội cũng nóng bỏng câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển. Trên cả nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ vừa tự hào vì giàu có văn hóa, giàu có di sản trên mặt đất và dưới lòng đất vừa luôn phải giải quyết “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển.

Cùng là đô thị, nếu Hội An trong nhiều năm được coi như mẫu mực về giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn, để chính di sản đem lại sự thịnh vượng cho người dân thì phố cổ Hà Nội vật vã bao nhiêu năm trong sự xuống cấp hàng ngày của cái vỏ vật chất mà vẫn chưa tìm được giải pháp. Thậm chí ở một làng ngoại thành như Đường Lâm, đã từng có thời gian dài người dân kiến nghị không muốn sống trong không gian di sản đã được công nhận và phải bảo tồn. Có những điều rất rõ về những mâu thuẫn chồng chéo trong tư duy của cả người dân, các nhà chuyên môn và các nhà quản lý.

Chúng ta phải bảo tồn, giữ nguyên trạng di sản, nhưng trong những làng cổ, phố cổ bản thân người dân lại cảm thấy ngột ngạt khi phải sống trong một không gian di sản (như người dân trong phố cổ Hà Nội hay người dân làng Đường Lâm). Ở nơi có mô hình bảo tồn di sản thành công là Hội An thì người dân hiểu rằng, để có niềm tự hào về di sản làng mình, phố mình, đô thị của mình cần những sự hy sinh. Ví dụ như không thể phá nhà mình đi xây thành những nhà cao tầng, cần tôn trọng và tuân thủ những nguyên tắc của bảo tồn và trùng tu di sản. Không thể vừa hồ hởi đón bằng công nhận di sản lại vừa muốn sống trong nó theo ý mình.

Thường khi nói đến bảo tồn, ta thường nói đến khía cạnh bảo tồn mặt vật chất cho công trình. Chẳng hạn, nếu công trình xuống cấp hay bị mối mọt thì ta sửa chữa theo các nguyên tắc kỹ thuật trùng tu. Nhưng như vậy, chúng ta mới làm được cái gọi là bảo tồn phần vật chất cho công trình ấy mà chưa nói đến việc, bằng cách nào để những người dân Việt có thể cùng chung sức với nhau trong việc xây dựng một ngôi đình, bằng cách nào họ có thể bảo lưu nó qua nhiều thế kỷ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ tính riêng ở Hà Nội thì bảo tồn được hàng trăm di tích trên mặt đất đã là quá khó, bảo tồn di tích dưới mặt đất còn khó hơn nhiều.

Là chuyên gia hàng đầu về bảo tồn và trùng tu di tích, từng cùng chuyên gia Kazik (người đã được dựng tượng ở Hội An) trùng tu Mỹ Sơn, từng đạt tới sự mẫu mực khi trùng tu chùa Mía, từng trùng tu một công trình cực lớn là Nhà hát Lớn Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng trong thế giằng co giữa bảo tồn và phát triển, thế yếu vẫn thuộc về di sản. Nhưng cũng không bảo thủ, ông Kính nêu quan điểm cần chấp nhận thực tế cuộc sống là như vậy để “xác định một loạt cách ứng xử khác nhau đối với các di chỉ khảo cổ học trong một cuộc giằng co mà thắng lợi bao giờ cũng giành về phía phát triển”. Sẽ biện chứng hơn nếu qua đó mà tính toán cho kỹ là cái gì “miễn cưỡng phải hy sinh, cái gì giữ lại cho được?”. Rõ ràng chúng ta không thể giữ hết: “Nếu giữ lại hết, bất cứ thứ phế tích nho nhỏ nào cũng giữ thì có lẽ Hà Nội sẽ phải phát triển về chỗ khác và khó phát triển”.

Xung đột luôn xảy ra giữa bảo tồn và phát triển. Đây là bài toán không đơn giản. Di sản ở dưới chân ta, nếu đào lên sẽ thấy tầng tầng lớp lớp các di sản văn hóa. Đụng vào đâu cũng thấy dấu tích của văn hóa. Vậy thì, bài toán ở đây là cần chọn cái gì, giữ cái gì chứ không phải giữ tất cả vì không thể làm như vậy.

Tuy nhiên, cũng không vì thế mà phung phí di sản, vì giữ di sản chẳng những được về văn hóa mà còn được cả kinh tế. Bởi chính vì có di sản, mà mới nâng tầm giá trị của bất động sản xung quanh khu vực di sản và cũng bởi vì chính di sản sẽ “làm” ra tiền.

Khi Hà Nội làm đường Xã Đàn, để giữ lại một đoạn của đê La Thành cũ, các nhà quy hoạch phải đề xuất làm đoạn đường từ đầu Kim Liên ra Ô Chợ Dừa như hiện nay. Và khi ấy đã đẩy giá thành của con đường này lên đến mức đắt đỏ nhất. Nhưng từ khi làm đường Xã Đàn, đoạn đê La Thành cũ đã được giữ lại đó hiện vẫn là một con đường nhỏ, lụp sụp, chưa phát huy được giá trị gì của một “di sản” cần phải được khai thác để nó sống trong đời sống. Khai thác thế nào? Làm cho di sản “sống” thế nào trong đời sống đương đại là một câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời.

Hà Nội còn nhiều di tích quan trọng khác như đền Bạch Mã, chùa Một Cột rất độc đáo... nhưng bị “vây chặt” bởi nhà dân, bởi các công trình khác. Chẳng lẽ di dân đi nơi khác để mở rộng không gian cho di tích? - Đó cũng lại là một câu hỏi nhức nhối khác.

Chưa kể ngay trong chuyện khai quật khảo cổ hoặc bảo tồn di tích cũng còn rất nhiều vấn đề. Di chỉ khảo cổ rất lớn như Hoàng thành Thăng Long, khai quật rồi có phát huy được giá trị như tầm vóc của nó không? Còn nhiều di tích trên mặt đất khác được bảo tồn được trùng tu nhưng làm biến dạng và sai lệch di tích.

Khai quật kiểu fastfood (chữ dùng của KTS Hoàng Đạo Kính) hoặc trùng tu sai lệch thì cũng chẳng khác gì phá hoại.

Trở lại với câu chuyện không gian di sản như Vịnh Hạ Long, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm…, những di sản không phải bảo tồn trong “tủ kính” mà phải tiếp tục sống trong đời sống đương đại như thế nào? Di sản văn hóa có không gian của nó. Cho nên, di sản sẽ sống trong đời sống đương đại nếu còn duy trì được không gian cho nó.

Phương thức tồn tại của văn hóa không phải là tĩnh tại, mà là biến đổi; không biến đổi, không phát triển, thì không còn là văn hóa. Tuy nhiên, bàn bạc về vấn đề này là không dễ dàng vì: Biến đổi như thế nào, để phát triển mà vẫn giữ hồn cốt di sản. Mỗi biểu hiện văn hóa đều có không gian thiết yếu của nó.

Di sản văn hóa có không gian của nó. UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa nhân loại. Họ không công nhận biểu diễn cồng chiêng mà công nhận không gian văn hóa của cồng chiêng.

Vịnh Hạ Long hay hồ Tây sẽ chẳng còn là gì nếu làm biến đổi không gian, bằng cách lấp đất xây nhà quây kín cách không gian đó lại.

Bài toán bảo tồn và phát triển có lẽ cần sự thông thái của các nhà quản lý trên nguyên tắc giữ gìn di sản phải được ưu tiên và tuân thủ Luật Di sản. Nhưng di sản chỉ có giá trị khi nó sống cùng đời sống với chúng ta hôm nay. Có những sự phải “miễn cưỡng hy sinh”. Còn những gì có giá trị và có ý nghĩa với đời sống văn hóa, với lịch sử dân tộc bằng mọi giá phải bảo tồn cho bằng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để di sản sống trong đời sống đương đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO