Trước mối quan tâm của xã hội về sự biến tướng dạy thêm, học thêm, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi từ gốc, tức là từ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; từ hướng dẫn thực hiện của Bộ GDĐT. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Làm công tác quản lý giáo dục nhiều năm, ông quan niệm thế nào về dạy thêm? Theo ông, dạy thêm có cần thiết không?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trước đây, tôi cũng dạy thêm nhưng dạy thêm để bồi dưỡng cho những học sinh yếu kém để các em vươn lên, nhanh chóng theo kịp bạn bè. Hay với những học sinh giỏi, dạy thêm để bồi dưỡng các em học giỏi hơn, xuất sắc hơn. Nhiều em có thể đi học thêm những môn năng khiếu như: Âm nhạc, mỹ thuật, thể thao hay kỹ năng sống… Như vậy, bản chất của dạy thêm, học thêm không xấu, có điều là dạy thêm, học thêm kiểu “nhồi nhét” kiến thức văn hóa thì không cần thiết.
Thực tế tình trạng học sinh các cấp phải học thêm quá nhiều đang diễn ra ngay những ngày đầu năm học mới 2023-2024. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới việc dạy thêm, học thêm bùng phát với mức độ ngày càng gia tăng như hiện nay?
- Nạn dạy thêm, học thêm tồn tại trong rất nhiều năm rồi. Phải khẳng định, dạy thêm, học thêm mà đúng hướng thì tôi không phản đối. Nhưng giờ việc dạy thêm, học thêm có nhiều tiêu cực. Trẻ con phải học thêm quá nhiều, nhồi nhét kiến thức, các em không còn có tuổi thơ đang là một thực tế và tôi phản đối việc này.
Nguyên nhân thì có nhiều. Trước tiên, tiêu cực từ phía thầy cô giáo vì đời sống khó khăn cho nên bày ra việc dạy thêm cho học sinh, mà ở trường thì chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học của mình. Mặt thứ 2 từ phía phụ huynh học sinh, có nhiều cha mẹ vì quá bận rộn, không có thời gian trông con nên đẩy con đi học thêm; cũng có nhiều người ham hư danh, nghĩ rằng, con học thêm sẽ giỏi hơn con nhà người ta… Đây là hai nguyên nhân chính làm nảy sinh tiêu cực trong dạy thêm, học thêm và tôi phê phán chuyện này.
Vậy còn Chương trình GDPT 2018 thì sao, thưa ông? Sau 3 năm triển khai, chương trình vẫn chưa khắc phục hay hạn chế được việc dạy thêm và học thêm. Thực tế, ngoài học trên lớp, học sinh vẫn phải đi học thêm ở ngoài nhà trường do chính giáo viên chủ nhiệm đứng lớp. Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình mới đang quá nặng và bộc lộ bất cập. Quan điểm của ông?
- Tôi cũng đồng tình với ý kiến này. Một trong những hạn chế của chương trình mới là công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS vẫn chưa rõ ràng, chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Hiện nay, đa phần học sinh khi học hết bậc THCS mục tiêu là học tiếp bậc THPT mặc dù trong số này có nhiều em học nghề, học kỹ thuật sẽ phù hợp năng lực hơn.
Bên cạnh đó, môn tích hợp của chương trình mới không phải là tích hợp mà gọi là tổ hợp thì đúng hơn. Tôi có tới nhiều trường học và thấy rằng, tình trạng tồn tại ở nhiều trường là thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp. Các trường phải bố trí giáo viên dạy môn Vật lý dạy kiến thức Lý, xong ngồi nghỉ tới giáo viên dạy Hóa học dạy kiến thức Hóa, giáo viên dạy Sinh học dạy kiến thức Sinh… Cách dạy này hiện nay gây lãng phí giáo viên rất lớn. Dù trước khi triển khai chương trình, giáo viên đã được tập huấn nhưng chỉ có một thời gian ngắn thì không thể một giáo viên dạy được tất cả kiến thức môn tích hợp. Tôi cho đây là một bất cập lớn của chương trình mới cần phải xem xét lại.
Mặt khác, kiến thức trong sách giáo khoa mới đang khá nặng so với học sinh phổ thông, có nội dung mà tôi thấy học sinh chưa cần đến mức độ đó. Nhiều ông bố bà mẹ than rằng: “Sao giờ đọc sách của các con không hiểu nổi nên phải cho con đến thầy cô dạy”. Kiến thức nặng, cha mẹ không kèm được con nên kéo theo việc dạy thêm, học thêm vẫn gia tăng, tạo áp lực kinh tế cho các gia đình.
Với chương trình mới hiện nay, học thêm kiểu “nhồi nhét” liệu có hiệu quả không, thưa ông?
- Nhiều đứa trẻ hàng xóm nhà tôi đi học thêm kín lịch mỗi ngày. Khi tôi hỏi thì các cháu nói: “Bố mẹ con bắt đi học thì con đi thôi”. Nghe các cháu đi học kiểu “nhồi nhét” như vậy tôi đau lòng lắm. Đáng lẽ tuổi thơ của các cháu được học mà chơi, chơi mà học thì nay học nặng nề như vậy. Thử đặt mình vào vị trí con trẻ và quan sát sẽ thấy, khi “nhồi nhét” học thì chúng sẽ mệt mỏi đến nhoài người làm sao hiệu quả nữa.
Quan điểm của ông về việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với thực tế hiện nay, theo ông làm thế nào để giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm?
- Như tôi đã phân tích ở trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm. Ngoài xuất phát từ phía giáo viên, phụ huynh thì gốc cũng từ phía chương trình, thi cử nặng nề. Đây là cả một dây chuyền nên nếu muốn bàn tới giải pháp thì phải “sửa” hệ thống chứ không riêng một khâu nào. Dù đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không quản lý chặt chẽ thì vẫn có lý do để dạy thêm tiêu cực như cách đang làm hiện nay là học thêm “tự nguyện”. Những điều kiện đề ra để dạy thêm là đúng, nhưng phải có những quy định rõ ràng, làm thế nào để nêu cao đạo đức trong dạy thêm, học thêm. Đạo đức ở đây là giáo viên hoàn thành tối đa việc dạy học trên lớp, sau đó dành thời gian bồi dưỡng cho học sinh yếu kém và nâng cao trình độ cho học sinh chứ không phải mục đích chính của dạy thêm là thu tiền.
Do vậy, đầu tiên cần phải giáo dục đạo đức cho người thầy. Thứ hai, làm thế nào để đời sống của người thầy tương đối để họ có thể sống được với nghề. Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, đừng ép buộc con mình quá mức về việc học. Cuối cùng là xem lại toàn bộ hệ thống chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT):
Dạy thêm đúng đối tượng
Dạy thêm là hiện tượng không chỉ tại Việt Nam mà diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và có rất nhiều nguyên nhân. Nhu cầu dạy thêm và học thêm là một thực tế cả với lý do chính đáng và không chính đáng. Vấn nạn dạy thêm tiêu cực đã làm tăng gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình; làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh; làm cho quan hệ đạo đức thầy – trò bị méo mó, và nghiêm trọng hơn làm giảm lòng tin của người dân đối với hệ thống giáo dục. Hậu quả cuối cùng là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra sự không bình đẳng trong giáo dục.
Rất khó để cấm dạy thêm, học thêm. Tôi ủng hộ quan điểm đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn như một số nước đang làm (Hàn Quốc, Singapore) tạo ra một ngành công nghiệp của dạy thêm, học thêm, bản chất là để quản lý và dạy thêm đúng đối tượng.
Bên cạnh những chính sách kinh tế vĩ mô, một phần quan trọng là người thầy không được dạy học sinh nhồi nhét kiến thức mà dạy cho các em phương pháp tự học. Mặt khác, cần quan tâm chế độ giáo viên, đảm bảo cho cuộc sống của họ được khá hơn; xem xét lại chương trình, đồng bộ kiểm tra đánh giá và chất lượng đội ngũ; tránh hiện tượng giáo dục học vị, thi cử mà vì sự nghiệp của người học.