Thời tiết mùa hè nắng nóng và oi bức rất dễ làm cho thực phẩm bị ôi thiu, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người. Đặc biệt là đối với những món ăn ở vỉa hè, trong chợ hay thậm chí là trong một số nhà hàng.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mới đây, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nhập viện do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn.
Điển hình, trường hợp nữ bệnh nhân tại Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn ra dịch dạ dày, sốt cao, huyết áp thấp. Theo lời bệnh nhân kể lại, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ bệnh nhân bắt đầu xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.
Theo TS. Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108): “Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa. Bệnh cảnh lâm sàng chính là hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính. Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng. Khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm Salmonella như: Thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín,...”.
Đáng lo hơn khi nguy cơ ngộ độc thực phẩm có tới từ các bếp ăn tập thể với những vụ ngộ độc hàng loạt có thể xảy ra trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch, do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm. Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài.
Một trường hợp điển hình, sáng 26/6, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) cho biết, vừa tiếp nhận cấp cứu cho 10 trường hợp là khách du lịch đi theo đoàn có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 trẻ nhỏ. Theo đó, những bệnh nhân này được đưa đến Bệnh viện cấp cứu vào sáng cùng ngày. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ xác định, các bệnh nhân có chung các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa…
Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây ngộ độc là do tiếp xúc với thức ăn không an toàn từ một quán ăn không rõ địa chỉ trên địa bàn thành phố.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè với thời tiết nắng nóng làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Do đó, nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không hợp lý sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.
Các biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, đau bụng quằn quại, tiêu chảy, có thể sốt hoặc không… Đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở,... Các dấu hiệu trên thường xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc. Một số người có nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm hơn những người khác. Các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính... Đặc biệt là đối với trẻ em, có nhiều dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, mệt mỏi rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác hoặc cha mẹ tưởng là trẻ bị say xe.
Ngộ độc thực phẩm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng như nôn ói nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì, chất nôn hoặc phân có máu, tiêu chảy hơn 3 ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đơn cử như việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu. Ngoài ra, vào mùa hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc.