Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc thực phẩm.
Trong 2 ngày 9 và 10/5, Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) đã tiếp nhận 57 trẻ của Trường Mầm non xã Thuận Sơn với các biểu hiện nghi bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, có hơn 20 cháu khác được phụ huynh đưa đến Trạm y tế xã để theo dõi sức khỏe.
BS Lê Đức Hải - Giám đốc bệnh viện thông tin, 57 trẻ đến viện đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số trường hợp sốt, biểu hiện mất nước. Ngay lập tức Bệnh viện đã huy động 50 y bác sĩ, điều dưỡng với trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, tổ chức cấp cứu điều trị tích cực cho các bệnh nhân. Đồng thời hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử trí.
Đến trưa ngày 10/5, tất cả trẻ nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe, không còn đau bụng, ăn uống bình thường và được xuất viện. Được biết, Trường Mầm non Thuận Sơn có 354 trẻ ăn bán trú.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho hay: Mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…
Bên cạnh đó, thời tiết nóng và ẩm của mùa hè làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh… là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, việc không bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Ông Phong cho hay, theo kết quả điều tra của Cục ATTP, kiến thức của những người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể, nhưng việc thực hành đúng về ATTP còn khá hạn chế. Thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới/giỗ; chưa tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Do đó, để bảo đảm ATTP, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục ATTP khuyến cáo người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống sôi.
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả 2 mặt “lợi – hại” của thiết bị này. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.
Người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong.