Nghi lễ Khai ấn diễn ra trong tiết trời mưa xuân nặng hạt, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ được huy động dày đặc.
Nằm trong chương trình Lễ hội Khai ấn đền Trần đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, đêm 23/2 (14 Tháng Giêng), tại Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) - nơi thờ 14 vị vua triều Trần, chính quyền TP Nam Định, cộng đồng ở địa phương đã tổ chức nghi lễ Khai ấn như thường niên, dưới trời mưa.
Tục lệ cổ truyền
Trước đó, phát biểu tại nghi lễ dâng hương, Chủ tịch UBND TP Nam Định Phạm Duy Hưng tái khẳng định, Lễ hội Khai ấn Đền Trần - Nam Định là tục lệ cổ truyền, là nét đẹp văn hóa, nhằm tri ân công đức vương triều Trần - vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, “võ công văn trị”, gắn liền với việc ba lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, ở thế kỷ thứ 13.
Theo thông tin tại lễ hội, sau khi lên ngôi vua, vào năm 1239, vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã sai quan Nhập nội thái phó Phùng Tá Chu về quê cũ của mình là hương Tức Mạc (ngày nay là phường Lộc Vượng, TP Nam Định) xây cung điện Tức Mạc để lấy chỗ đi lại.
Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà vua cho bá quan, thần dân nghỉ ngơi ăn Tết. Đến ngày 14 tháng Giêng, đúng vào giờ Tý, giờ giao điểm giữa ngày 14 sang ngày 15, nhà vua tổ chức nghi lễ Khai ấn, khai lộc đầu xuân theo ý nghĩa “nhân sinh khai Tý, thiên địa khai Ngọ”, mở đầu một niềm may, khởi động ngày đầu của một năm làm việc mới, đồng thời ban phát ấn tín, lộc phúc cho quan quân, muôn dân.
Sau khi nhà Trần hết vai trò lãnh đạo quốc gia, các cung điện Trùng Hoa, Trùng Quang không còn, con cháu nhà Trần đã cho xây dựng ngôi từ đường tại đây để thờ phụng tổ tiên. Trên cơ sở ngôi từ đường dòng họ cả của dòng họ Trần, đến triều Lê đền Thiên Trường, thờ 14 vị vua triều Trần chính thức được xây dựng.
Nghi lễ Khai ấn được nhân dân địa phương tái hiện trong lễ hội đầu xuân hằng năm ở đền Trần, nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của vương triều Trần.
Trước đây, lễ hội chỉ được tổ chức trong phạm vi, quy mô nhỏ. Khoảng 20 năm trở lại đây, lễ hội Khai ấn đầu xuân ở đền Trần phát triển thành một lễ hội lớn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh Nam Định tham gia.
Như tục lệ cổ truyền, năm nay, ngay sau nghi lễ dâng hương, cộng đồng địa phương tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn (từ đền Cố Trạch sang sân đền Thiên Trường) với đoàn rước gồm 120 người. Khi Kiệu ấn được rước về tới sân đền Thiên Trường, nhà đền, cộng đồng ở địa phương đã dâng hương, tế cáo.
Nghi lễ Khai ấn được 14 vị cao niên thôn Tức Mạc thực hiện sau đó, vào 23h15 (giờ Tý) - thời khắc chuyển giao từ ngày 14 sang ngày 15 - trong nội cung đền Thiên Trường.
Hòm Ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, bên trong có 2 ấn thờ. Ấn - gồm 2 chiếc, khắc các chữ “Trần Miếu” (Miếu nhà Trần), “Trần miếu tự điển” (Điển tích thờ tự tại miếu nhà Trần) , “Tích phúc vô cương” (Tích phúc thì không giới hạn). Chủ tế ngồi ở chiếu giữa, tập giấy điệp màu vàng được đặt trang trọng ở trước. Trong tiếng chiêng trống rộn ràng, chủ tế trịnh trọng đóng ấn mực đỏ với các chứ trên vào tờ giấy điệp.
Việc phát ấn cho du khách được nhà đền bắt đầu thực hiện từ sáng ngày 15 tháng Giêng.
Hạn chế tối đa số người có mặt trong sân đền Thiên Trường
Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, năm nay, Ban tổ chức cũng áp dụng phương án đảm bảo an ninh như năm trước. Theo đó, thời điểm diễn ra nghi lễ dâng hương và nghi lễ Khai ấn, trong sân đền Thiên Trường chỉ có các thành phần là người nhà đền, các đại biểu được mời, dày đặc lực lượng an ninh, một số phóng viên. Với phương án đảm bảo an ninh này, không có du khách nào được có mặt tại sân đền Thiên Trường để chứng kiến các nghi lễ. Trước đó, từ 20h30, Ban tổ chức dừng tiếp nhận du khách vào đền hành lễ; từ 21h tất cả du khách được mời ra khỏi khuôn viên đền Trần.
Tại thời điểm nghi lễ Khai ấn chuẩn bị kết thúc, từ phía trong đền đi ra, PV chứng kiến hàng vạn du khách đang đứng dưới trời mưa, chờ đến thời điểm cổng đền Trần được mở để vào trong đền hành lễ.
Cũng giống như mọi năm, năm nay tại mọi ngóc ngách trong khuôn viên đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Quang (cùng nằm trong khuôn viên di tích đền Trần), đặc biệt là dọc đường Trần Thừa (chạy dọc trước cổng di tích Đền Trần) đều có rất đông nhân viên an ninh đứng làm nhiệm vụ.
Theo Ban tổ chức, như mọi năm, năm nay hơn 2.000 nhân viên an ninh, cả chính quy và không chính quy được chính quyền Nam Định huy động làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần.