Nhiều đơn hàng dệt may bị chuyển sang Lào, Mianmar,… điều này chứng tỏ, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang “hụt hơi” vì những bất cập trong quản lý cũng như điều kiện cạnh tranh gay gắt trong hội nhập.
Dệt may đang đối mặt với tình trạng bị giảm đơn hàng.
Doanh nghiệp kêu khó
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hội nhập kinh tế sâu rộng đang tạo đà cho ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh. Bằng chứng, một vài năm trở lại đây ngành dệt may trong nước liên tục “phình” to thông qua các dự án đầu tư nước ngoài để đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTAs). Dự báo của các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư, kim ngạch dệt may Việt Nam liên tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt nếu như TPP được hoàn tất.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, năm 2015, ngành dệt may xuất khẩu 27,4 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu dệt may mang về trên 8 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam chắc chắn tăng trưởng xuất khẩu của dệt may sẽ vượt kế hoạch đề ra. Quy hoạch phát triển của ngành phải đạt mức 20 tỷ USD trong năm 2020 nhưng năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đã gần 30 tỷ USD.
Mặc dù ngành này tăng trưởng cao song hiện tại ngành này đang cảm giác bị “hụt hơi”, nhìn đâu cũng thấy khó khăn bởi những quy định quản lý nhiêu khê, thiếu sự linh hoạt và cởi mở. Hàng loạt quy định không phù hợp được ngành dệt may “điểm mặt” như: nhiều đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất, yêu cầu đầu tư công nghệ xử lý nước thải không đúng, kiểm tra khắt khe đối với hàng mẫu…
Điển hình cho hình thức quản lý không đáng có, một năm doanh nghiệp dệt may phải tiếp đón lai rai hơn chục đoàn kiểm tra liên quan. Hôm nay thuế xuống kiểm tra, mai là hải quan, mốt là phòng cháy chữa cháy…. Các cơ quan liên tục thay phiên nhau đến kiểm tra làm cho doanh nghiệp bị ức chế.
“Không hiểu quản lý kiểu gì mà công tác kiểm tra dàn trải, kéo dài trong một năm làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tại sao không tổ chức thành một cuộc tổng kiểm tra để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian”, ông Vũ Đức Giang bức xúc.
Nói về khó khăn trong hoạt động sản xuất, đại diện Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Cơ quan quản lý đang siết doanh nghiệp dệt may một cách cứng nhắc. Ví dụ, một doanh nghiệp may mặc chỉ 40 lao động nhưng bắt đầu tư nhà máy xử lý hết mấy tỷ bạc là không thể. Việc đầu tư này vượt quá khả năng doanh nghiệp. Trong khi đó, công ty may chỉ sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày không giống như công ty dệt, cho nên áp dụng như trên là quá nặng nề”. Chưa dừng lại ở đó, nghịch lý ngành dệt may phải kể đến hoạt động kiểm tra các chất formaldehyde đối với dệt may theo Thông tư 37 là quá sức thắt chặt khiến doanh nghiệp chịu không nổi.
Thông tư 37 gắt gao đến mức chỉ có 3 – 5m vải hoặc 10 m vải mẫu cũng phải kiểm tra. Lần đầu nhập khẩu có kiểm tra, cũng mẫu đó nhưng nhập lần thứ hai, thứ ba vẫn không bỏ qua. Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn chứng thêm, chỉ trong vòng 5 tháng thôi nhưng có đến 138 lần kiểm tra mẫu vải. Quy định kiểm tra formaldehyde đối với nguyên liệu dệt may (vải) gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, tuy nhiên bức xúc này đến nay chưa được giải quyết một cách rốt ráo và triệt để.
Sức ép hội nhập
Đề cập đến điều kiện phát triển của toàn ngành hiện nay trước sức ép hội nhập và quản lý, ông Vũ Đức Giang cảnh báo, sau quý I - 2016 hàng loạt khách hàng quen thuộc đã chủ động chuyển đơn hàng sang Lào và Mianmar vì thị trường này được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ và châu Âu. Không riêng Lào và Mianmar, thị trường Campuchia cùng nằm trong “tầm ngắm” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất dệt may. Lý do, Campuchia đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của châu Âu dành cho các nước kém phát triển. Trong khi Việt Nam – nước đang phát triển chỉ được hưởng thuế suất chương trình là 9,6%.
Với những khó khăn của ngành dệt may, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Thông tư 37 ra đời nhằm ngăn chặn vải, sợi không đạt yêu cầu, kém chất lượng, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Còn về lâu về dài thì hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến ngành dệt may nói chung. Thông tư 37 đã phần nào giảm tần suất kiểm tra, ưu đãi hơn so với thông tư 32 trước đó. “Trước khó khăn của ngành dệt may với Thông tư 37 thì Bộ sẽ tiếp thu và làm việc với dệt may để đơn giản hóa lại Thông tư 37 tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.
Một số ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước không tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho ngành dệt may thì hội nhập cũng chưa thật sự là đòn bẩy để ngành này phát triển như kỳ vọng và dự báo. Khi đó 30% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên dệt may lại tiếp tục chiếm 70% doanh thu. Còn 70% doanh nghiệp dệt may trong nước chỉ sở hữu vỏn vẹn 30% doanh thu còn lại.