Kinh tế

Dệt may nỗ lực vượt khó

An Bình 09/12/2023 09:00

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), việc nâng cao năng suất, chất lượng được coi là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp (DN) dệt may.

anhbaitren(1).jpg
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực nâng cao năng suất lao động, chinh phục thị trường khó tính. Ảnh: Quang Vinh.

Yêu cầu bắt buộc

Quý IV/2023, thị trường dệt may thế giới được đánh giá có những chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát tại EU tháng 9/2023 giảm 4,3%. Đây là những yếu tố quan trọng để các DN trong ngành dệt may gia tăng đơn hàng xuất khẩu, từ đó phục hồi sản xuất sau một thời gian khá dài gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với DN dệt may là công tác thị trường, năng suất lao động và cạnh tranh gay gắt bởi các quốc gia đối thủ.

Bởi vậy, giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều FTA, việc nâng cao năng suất, chất lượng được coi là một trong những yêu cầu bắt buộc để DN dệt may Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, chiếm ưu thế trong việc nhận đơn hàng từ các thương hiệu lớn.

Và để có thể đạt được điều này, ngành dệt may cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn đặc thù về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về dệt và may mặc có khoảng 313 tiêu chuẩn; trong đó, nổi bật là các tiêu chuẩn về xác định các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm dệt - may: TCVN 12512-1:2018; TCVN 12512-3:2018; TCVN 7421-1:2013; TCVN 7421-2:2013. Các tiêu chuẩn được xây dựng chủ yếu chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế (ISO), tiêu chuẩn châu Âu (EN). Bên cạnh đó, còn có nhiều tiêu chuẩn tự xây dựng dựa trên trình độ khoa học và công nghệ, nhu cầu và đặc trưng của Việt Nam...

Không thể phủ nhận, trong khoảng 2 thập kỷ qua, kim ngạch xuất khẩu của dệt may đã liên tục gia tăng. Mỗi năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành là 17,2%. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 35,3 tỷ USD, năm 2021 đạt 40,5 tỷ USD, năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD. Dệt may là ngành có số lượng DN phát triển nhanh nhất, từ hơn 5,8 nghìn DN năm 2010 lên hơn 13,8 nghìn DN trong năm 2021; trong đó, 89,2% số DN hiện này có quy mô dưới 200 lao động.

Giới chuyên gia trong ngành nhận định, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã ứng dụng nhiều quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Bên cạnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, để khai thác thị trường châu Âu, DN dệt may Việt Nam đáp ứng Quy định đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế các chất hóa học (REACH) của Liên minh châu Âu (EU); áp dụng phổ biến bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 13:2008/BTNMT... Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn này, hàng thời trang, may mặc của Việt Nam có thể thâm nhập được bất cứ thị trường nào khó tính nhất.

Thúc đẩy xanh hóa

Thời gian qua, để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều DN dệt may Việt Nam đã chủ động đầu tư, ứng dụng hiệu quả các mô hình, kỹ thuật tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Mô hình sản xuất tinh gọn Lean, công cụ như cân bằng chuyền, bảo trì năng suất tổng thể (TPM), hệ thống cảnh bảo trực quan Andon, cải tiến liên tục (kaizen), tiêu chuẩn hóa thao tác (SW)… Đây chính là công cụ cạnh tranh của DN dệt may Việt Nam trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển công nghệ vào sản xuất, ngành dệt may còn đòi hỏi phải thúc đẩy xanh hóa. Hiện nay nhiều thị trường lớn như EU yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được sản phẩm để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng nước và hoá chất độc hại. Vấn đề này, các DN dệt may không còn con đường nào khác, buộc phải thích ứng.

Do đó, Chủ tịch Vitas cho rằng, Chính phủ cần đồng hành cùng DN để xây dựng chiến lược xanh hoá, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái. Theo ông Giang, tiềm năng điện mặt trời Việt Nam đang rất lớn. Đây là cơ hội cho ngành may mặc Việt Nam tận dụng năng lượng mặt trời vào hệ thống sản xuất, từ đó hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy xanh hóa của ngành dệt may.

"Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam. Hiện nay, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến hoá chất, thuốc nhuộm được sử dụng trên nền tảng vải, giờ đây là yêu cầu bao nhiêu phầm trăm từ nguyên liệu tái chế, bao nhiêu phầm trăm có thể tuần hoàn, tuổi thọ của sản phẩm có dài hay không…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may nỗ lực vượt khó