Tính chân thực là một chủ đề nhận được nhiều sự chú ý trong hoạt động quản lý di sản. Tuy nhiên, theo PGS TS Bùi Hoài Sơn- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nếu như di sản văn hóa vật thể tương đối thống nhất trong quan niệm về tính chân thực thì di sản văn hóa phi vật thể không đạt được sự đồng thuận đó.
Lễ hội Côn Sơn (Hải Dương) (Nguồn: VietnamPlus).
Trong những năm vừa qua, quản lý di sản đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang cho việc quản lý di sản tốt hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển, không chỉ văn hóa, mà còn cả kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến di sản đang đặt ra những thách thức, như: Xác định các mô hình quản lý di sản, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận, vai trò của cộng đồng, nghệ nhân và Nhà nước trong việc bảo tồn giá trị di sản, mối quan hệ giữa di sản và phát triển du lịch... trong đó có việc xác định tính chân thực của di sản.
Câu hỏi đặt ra thường xuyên đối với những người quản lý và thực hành di sản văn hóa phi vật thể là: Chúng ta xác định tính chân thực của di sản để làm gì? Hay tính chân thực có quan trọng hay không với di sản?
Các nhà khoa học xã hội hiện nay luôn đặt ra câu hỏi rất thực tế là di sản cho ai hơn là đi tìm câu trả lời cho tính chân thực của di sản.
Di sản là một sản phẩm của thời hiện tại, phát triển nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của hiện tại đối với nó và được định hình bởi những yêu cầu ấy.
Dù không phải tất cả, nhưng nhiều nhà quản lý vẫn đòi hỏi di sản văn hóa (trong đó có di sản văn hóa phi vật thể) cần phải chứng minh được tính nguyên gốc hay tính chân thực của mình.
Điều này là một điều không phải là không nên làm. Tuy nhiên, đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều sự giải mã qua các lớp thời gian, các sự kiện.
Nhiều sự kiện của quá khứ không có nhiều manh mối có thể tìm kiếm ở thời kỳ hiện tại. Điều này càng khó khăn hơn đối với các sự tích, truyền thuyết vốn là hạt nhân tín ngưỡng của các lễ hội truyền thống.
Bên cạnh đó, một điều quan trọng là người dân địa phương đã chấp nhận các câu chuyện truyền thuyết của cộng đồng họ mà không cần bất cứ một sự giải thích khoa học nào.
Họ tiến hành lễ hội dựa trên những câu chuyện đó mà không cần bất cứ lý do khoa học nào can thiệp. Chính vì lẽ đó, nếu những lý giải khoa học đi ngược lại nguyện vọng tổ chức lễ hội của họ dựa trên những câu chuyện kể từ quá khứ thì công việc tổ chức, quản lý lễ hội ở địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn không đáng có.
Chính vì vậy, chủ trương không phục hồi hay thông tin đến người dân về các lễ hội có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng sẽ gây ra những vấn đề về quản lý lễ hội như chúng ta đã từng chứng kiến. Như tổ chức lễ hội “chui”, hình thành lai lịch “giả” cho các vị thần được tôn thờ…
Ngày nay, người ta cho rằng, di sản là một dạng sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện tại. Với tư cách là một sản phẩm văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể có những “lô gic” vận hành phù hợp với vai trò của nó trong xã hội hiện tại.
Di sản giờ đây đã được xem là một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa. Như vậy, việc quản lý di sản được hiểu theo nghĩa rộng hơn nhiều.
Đó không chỉ hoàn toàn là công việc trực tiếp liên quan đến di sản, mà chính là sự quản lý một xã hội thu nhỏ. Để cụ thể hoá vấn đề nêu ra trên đây, chúng ta lấy một lễ hội truyền thống làm ví dụ.
Việc tổ chức, quản lý một lễ hội truyền thống không đơn giản chỉ xoay quanh việc phục hồi, bảo tồn hay phát huy bản thân lễ hội truyền thống ấy, mà nó còn liên quan đến hàng loạt công việc, như: Lập kế hoạch, nguồn nhân lực tổ chức tham gia lễ hội, tuyên truyền, marketing, tìm kiếm nguồn tài trợ, dịch vụ hậu cần, an ninh, y tế, vệ sinh thực phẩm, hay phát triển các cơ sở hạ tầng có liên quan…
Dù quy mô các lễ hội có thể khác nhau, nhưng các vấn đề đặt ra như trên vẫn cần có sự quan tâm quản lý từ các cấp, các ngành. Chính vì vậy, mọi quy định quản lý lễ hội khi ban hành cần phải tính đến các tác nhân có thể xảy ra này.
Nhìn chung, sáng tạo là bản chất của văn hóa. Đối với văn hóa phi vật thể, quá trình sáng tạo này là không ngừng nghỉ, nhờ đó, tạo ra sự phong phú và đa dạng của văn hóa.
Khó có thể coi sinh hoạt văn hóa nào mang tính nguyên gốc, độc nhất vô nhị, giá trị vượt trội hơn so với các sinh hoạt văn hóa khác.
Ở một khía cạnh nào đó, văn hóa là sự khác biệt, sự phù hợp với một cộng đồng, một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Vì thế, không có văn hóa tốt hơn và văn hóa kém hơn.
Trong bối cảnh tương tác đó của văn hóa thay vì đi tìm câu trả lời cho tính chân thực của văn hóa phi vật thể, tốt hơn hết chúng ta nên xem xét các văn hóa phi vật thể ấy đóng vai trò như thế nào trong xã hội hiện tại.
Một ý nghĩa nhân văn, giá trị cố kết cộng đồng, ý thức chung về một cội nguồn hay nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội,... có ý nghĩa hơn nhiều so với việc loay hoay đi tìm câu trả lời cho tính chân thực của di sản.