Địa phương biết nhưng 'lực bất tòng tâm'

Tuấn Việt 21/02/2017 10:00

Báo động đỏ với sự ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không chỉ tại TP Hà Nội, khi phạm vị ảnh hưởng của ô nhiễm đã rộng, mức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Nguy hại hơn, trong sự phát triển của làng nghề còn phát sinh nhiều dạng ô nhiễm như chất thải rắn, nước thải, rác thải, không khí... hậu quả từ đó là khôn lường.

Đây là kết luận tại cuộc khảo sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”, do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội tiến hành vừa qua, tại hơn 1.350 làng nghề trên địa bàn TP.

Đoàn đã khảo sát thực tế tại một số làng nghề truyền thống ngoại thành Hà Nội, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Liên Hà, Vân Hà (huyện Đông Anh), Phùng Xá, Canh Nậu, Dị Nậu (huyện Thạch Thất), Dương Liễu, Minh Khai, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), Chuyên Mỹ, Phú Yên, Vân Từ (huyện Phú Xuyên), Hòa Bình, Duyên Thái, Tiền Phong (huyện Thường Tín), Kiêu Kỵ, Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... Tại đây những thông số đánh giá rất bất lợi với môi trường.

Cụ thể, tại một số làng nghề ở Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín…, chỉ cần mắt thường cũng phát hiện ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Qua lựa chọn theo phương pháp điểm ngẫu nhiên, các Tổ khảo sát đã tiến hành lấy mẫu tại một số cụm điểm làng nghề truyền thống và kết quả xét nghiệm mẫu cho thấy các nơi này đã bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Ví dụ, huyện Hoài Đức có 3 làng chế biến nông sản là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế.

Với đặc thù là nơi chế biến tinh bột, nên lượng nước thải ở đây lên tới 3.155.000m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, hàm lượng chất ô nhiễm cao, coliform cao hơn hàng nghìn lần so với mức trung bình, lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần.

Hay như làng nghề bún Phú Đô (Nam Từ Liêm), cứ 10.200 tấn sản phẩm/năm sẽ thải ra 76,9 tấn COD, 53,14 tấn BOD5, 9,38 tấn SS, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt các ngày nắng nóng mùi hôi thối nồng nặc tại nhiều cống rãnh, thậm chí kênh ngòi…

“Hiện nay, khối lượng chất thải trung bình một ngày ra môi trường tại các làng nghề tương đối lớn như chất thải rắn (40 tấn/ngày), nước thải phát sinh khoảng 600m3/ngày, khí thải chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu từ môt số làng nghề sản xuất đồ gỗ phát sinh trong quá trình phun sơn PU cho sản phẩm.

Hầu hết các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải lạc hậu hoặc xuống cấp, do đó việc xử lý không đạt quy chuẩn về nước thải trước khi thải ra môi trường, nước thải sinh hoạt và nước thải từ làm nghề chưa được tách riêng đối với khu dân cư…”, báo cáo của Đoàn ĐBQH Hà Nội đánh gía.

Có mặt tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 10km, đoàn khảo sát đã chứng kiến sự ô nhiễm nghiêm trọng tại đây khi hàng trăm cơ sở sản xuất ngành nghề mặc sức thải độc hại ra môi trường. Cống rãnh đen ngòm, hồ ao ô nhiễm không thể nuôi cá, nhiều nơi trên địa bàn rác công nghiệp tích tụ, bốc mùi tích tụ.

Tương tự, tại Dương Nội, người dân nơi đây nhiều năm nay phải hứng chịu mùi hôi thối, khói khét độc tại các cơ sở sản xuất giấy, mạ kẽm, sắt, sản xuất nhựa. Nguy hại hơn, các cơ sở đều xả thải trực tiếp ra kênh gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Qua khảo sát, Đoàn ĐBQH Hà Nội nhận định, hầu hết các làng nghề gây ô nhiễm, chính quyền địa phương “biết” như “lực bất tòng tâm”. Ở đây là do một phần kế sinh nhai của người dân bản địa, một phần do không có kinh phí để thực hiện “làm sạch” môi trường. Chính quyền xử phạt một làng nghề như tại Hà Đông vừa qua số tiền lên đến tiền tỷ, song mọi chuyện sau đó lại đâu hoàn đấy. Môi trường hiện trạng ô nhiễm bao năm vẫn vậy, thậm chí nguy hại hơn.

“Đã đến lúc phải siết chặt quản lý bảo vệ môi trường tại các làng nghệ không chỉ trên địa bàn TP Hà Nội. Môi trường sống đang bị hủy hoại, người dân khốn khổ vì ô nhiễm. Hậu quả nghiêm trọng sẽ khôn lường không phải trong tương lai, mà ngay tại bây giờ”, một ĐBQH Hà Nội cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa phương biết nhưng 'lực bất tòng tâm'