Sức khỏe

Dịch thủy đậu diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương

Đức Trân 27/03/2024 10:26

Quý I/2024 chưa kết thúc nhưng cả nước đã xuất hiện rất nhiều ổ dịch thủy đậu, nhiều người lớn mắc bệnh tưởng nhẹ nhưng nhập viện với biến chứng nguy hiểm.

bai-chinh(2).jpg
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) thăm khám bệnh nhi mắc thủy đậu. Ảnh: BVCC.

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho thấy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 246 ca mắc thủy đậu, trung bình mỗi tuần có thêm 20 – 30 ca thủy đậu mắc mới. Dự báo, số ca mắc thủy đậu có thể gia tăng trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 140 ca mắc bệnh thủy đậu. Đặc biệt đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Trong khi đó, trên phạm vi toàn tỉnh Lào Cai cũng ghi nhận khoảng 150 ca mắc thủy đậu.

Đáng chú ý hơn, trái với quan niệm nhiều người rằng “bệnh thủy đậu ở người lớn thường nhẹ hơn trẻ em”, trong đợt dịch lần này, trên phạm vi cả nước đã ghi nhận nhiều ca là người trưởng thành phải nhập viện do mắc thủy đậu xuất hiện biến chứng nặng.

BSCKII Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Hiện nay Khoa Bệnh nhiệt đới đang điều trị nội trú và ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó có cả người lớn và trẻ nhỏ. Đáng nói, đa phần bệnh nhân là người trưởng thành có biểu hiện nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng. Điển hình là bệnh nhân nữ tại Dương Nội, Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt, đau đầu, đau họng và ngứa rát toàn thân, khắp người nổi nhiều nốt phỏng, phải nhập viện điều trị. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, các nốt phỏng thủy đậu vẫn còn xuất hiện nhiều trên mặt và toàn thân của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, thời gian qua cũng tiếp nhận các ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… Một ca bệnh điển hình, bệnh nhân V.T.O. (ở Nam Định) được chuyển đến viện trong tình trạng thủy đậu bội nhiễm viêm phổi; nhiễm khuẩn tiết niệu; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp; rối loạn Lipid máu.

Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có tiếp xúc với 2 học sinh mắc bệnh thủy đậu, sau đó sốt cao 38-39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước.

Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, xuất hiện thêm tình trạng đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt....

Còn tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, từ sau Tết đến nay, bệnh viện ghi nhận nhiều ca đến khám ngoại trú và những ca phải nhập viện do biến chứng thủy đậu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có nhiều ca bệnh nặng, biến chứng phổ biến nhất là bội nhiễm da. Đa số các bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm phòng vaccine trước đó.

BS Nguyễn Thị Thúy Hậu - Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, cả nước đang ở trong giai đoạn cao điểm của bệnh thủy đậu, hay còn gọi là mùa thủy đậu (từ tháng 3 tới tháng 5). Nguyên nhân do miền Bắc đang phải trải qua những ngày nồm ẩm khó chịu, trong khi đó miền Nam bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng kéo dài. Hai thái cực thời tiết đối nghịch này vô tình tạo nên môi trường vô cùng thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển và lây lan của bệnh dịch, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch, bao gồm cả thủy đậu.

Ngoài ra, thủy đậu là bệnh lý rất dễ lây, tốc độ lây truyền cực kỳ nhanh qua đường hô hấp, hệ số lây nhiễm của thủy đậu là 6, tức là 1 người mắc bệnh thủy đậu thì có thể lây cho 6 – 7 người tiếp xúc gần xung quanh. Bên cạnh đó, một người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vaccine phòng thủy đậu trước đây có đến 90% nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thủy đậu. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn thờ ơ trước sự nguy hiểm của bệnh.

“Đây chính là những nguyên nhân khiến số ca thủy đậu tăng nhanh, thậm chí có nguy cơ bùng phát thành dịch, nhiều ca biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa cơ quan và tử vong” – BS Hậu nhấn mạnh.

Các chuyên gia lưu ý, khi mắc thủy đậu, người bệnh cần được cách ly, điều trị đúng phác đồ, chăm sóc vệ sinh da đúng cách để mau khỏi bệnh, tránh các biến chứng và sẹo gây ảnh hưởng thẩm mỹ, giảm nguy cơ lây cho người khác và giảm chi phí điều trị.

Người bệnh lưu ý tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm và các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ; mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để các mụn mủ luôn được khô ráo; cắt móng tay, chân để tránh làm vỡ nốt thủy đậu khi vô tình cào, gãi.

Tiêm vaccine phòng thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, tránh lây nhiễm và biến chứng do bệnh. Vaccine phòng thủy đậu hiện tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh. Lịch tiêm vaccine thủy đậu gồm 2 mũi, khoảng cách tiêm tùy thuộc vào loại vaccine và độ tuổi. Vaccine thủy đậu không được chỉ định tiêm trong thai kỳ. Để phòng bệnh khi mang thai và cung cấp miễn dịch bảo vệ trẻ, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần chủ động tiêm phòng trước thai kỳ và ngừa thai ít nhất 3 tháng trước khi có thai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch thủy đậu diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO