Ngày 12/3, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025.
Tại hội nghị phản biện, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, cơ quan soạn thảo Nghị quyết cho biết, hiện nay, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, chưa có sự thống nhất đồng bộ trên toàn thành phố. Việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội “Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025” nhằm cụ thể hóa quy định của Trung ương theo Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính và là quy định bắt buộc các cấp ngân sách phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết quy định chi hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã 200 triệu đồng/thiết chế; nhà văn hóa - Khu thể thao thôn là 75 triệu đồng/thiết chế. Chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã là 75 triệu đồng/tủ sách; cấp thôn 50 triệu đồng/tủ sách. Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã 50 triệu đồng/năm; nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn là 30 triệu đồng/năm. Tổng kinh phí dự kiến năm 2024 là hơn 382 tỷ đồng...
Tại hội nghị phản biện, ông Nguyễn Thành Vĩnh, thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị, trong công tác kiểm tra, giám sát cần bổ sung rõ trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để nhân dân cùng vào cuộc giám sát. Việc sớm ban hành Nghị quyết của HĐND về nội dung trên là thực sự cần thiết và cần được tiến hành khẩn trương. Đây không những là yêu cầu trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của thành phố mà còn là điều kiện quan trọng góp phần trực tiếp việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến phản ánh từ cơ sở và kiến nghị tại các hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa do UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố phối hợp chỉ đạo thực hiện từ các thôn đến xã hàng năm đã được tổng hợp.
Ở góc khác, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, văn hóa là nền tảng của sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, Việt Nam cũng không loại trừ. Hà Nội cũng nằm trong quy luật đó. Hà Nội hiện có khoảng 340.000 km2, nhưng thành phố chỉ chiếm diện tích khoảng 9% và 45% dân số. Còn lại 90% diện tích và 55% dân số còn lại là nông thôn. Tại thời điểm này, Việt Nam có sự dịch chuyển chút ít vì đã có huyện được quyết định lên quận. Tuy nhiên, ngay cả khi lên quận thì vẫn còn thôn, xã. Vì vậy, rất cần thiết phải xây dựng nền văn hóa Thủ đô mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, muốn có bản sắc riêng thì ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế thì không thể thiếu hạ tầng để phát triển văn hóa tức các thiết chế văn hóa. Những thiết chế văn hóa này đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội, của Thủ đô. Vì vậy, việc hỗ trợ để “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025” tại Hà Nội là vô cùng cấp bách, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô và đồng bằng Sông Hồng để đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.
Còn Tiến sĩ Phan Đăng Long, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hà Nội lại cho rằng, hiện tại, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, chưa thống nhất đồng bộ toàn thành phố. Do vậy, hiệu quả hoạt động có sự chênh lệch, phụ thuộc nhiều vào mức chi mỗi địa phương. Việc ban hành Nghị quyết sẽ khắc phục sự thiếu thống nhất đồng bộ này. Trên cơ sở quan trọng đó, dự thảo Nghị quyết sẽ tạo một bước quan trọng, tạo điều kiện cho hệ thống các thiết chế được phát huy hiệu quả hơn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, trong xu thế nông thôn Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, Luật Thủ đô vừa được ban hành, cơ quan tham mưu soạn thảo Nghị quyết của thành phố Hà Nội cần nghiên cứu đến điều khoản chuyển tiếp đối với những đơn vị thay đổi mô hình đô thị. Đặc biệt, về 19 tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều liên quan đến văn hóa và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân với mong muốn được đầu tư nhiều hơn, khai thác nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn... Vì vậy, bên cạnh các chính sách về phát triển văn hóa của thành phố Hà Nội thì Nghị quyết này thể hiện rõ sự quan tâm của thành phố về lĩnh vực văn hóa.
“Mặt trận sẽ tăng cường giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết; đồng thời đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao cần nghiên cứu tiếp các nội dung khác như: tên gọi; rà soát kỹ danh mục các văn bản biện dẫn, thống nhất trong bố cục đề cương”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.
Còn đối với các ý kiến của đại biểu về quản lý sau đầu tư, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị, Sở Văn hóa – Thể thao cần quan tâm, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đồng thời tiếp thu ý kiến phản biện của MTTQ để hoàn thiện hồ sơ và sớm có thông tin trao đổi trở lại để MTTQ Việt Nam thành phố thông tin tới các nhà khoa học. Với sự thống nhất cao của các đại biểu tại hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tin rằng Nghị quyết sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân khi ban hành.