Theo phân tích từ chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm ưu đãi không cần thiết với doanh nghiệp (DN), chống thất thu thuế thì tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng. Chẳng hạn với thuế VAT, nếu tăng từ 10% lên 12% sẽ "rất nhạy cảm" và việc đánh giá người thu nhập thấp có tác động hay không thì phải có chứng minh xem tác động đó là bao nhiêu.
“Cụ thể với sắc thuế VAT thì phải sát chức năng của thuế VAT, điều chỉnh lại thuế thu nhập thì việc phân phối lại thu nhập cũng phải được giải thích rõ. Cùng với đó là phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh này tới các hộ gia đình, tới ngành nghề kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN... tiếp đó mới là đánh giá tác động tới quy mô ngân sách và điều tiết kinh tế vĩ mô", ông Ánh nói.
Còn theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO, tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng. Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng và doanh nghiệp chỉ là người thu hộ nhưng vẫn tác động đến doanh nghiệp vì sức mua hàng hóa giảm.
Còn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được áp dụng ở mức 20%, Bộ Tài chính đề xuất giảm xuống 17% và 15%, ông Giám cho rằng, hiện nay với chủ trương phát triển các DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa nếu đưa thuế xuất xuống 10-15% thay vì 15-17% chưa chắc đã giảm mức thu thuế cho ngân sách nhà nước, nhưng lại khuyến khích cho các DN và điều này cần ổn định trong thời gian dài.
Theo thống kê, thuế GTGT của Việt Nam đang đóng góp 25% đến 27%, trong số tổng thu của ngân sách và hiện Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cho cộng đồng DN.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức độ ưu đãi hiện nay dành cho các DN chưa đủ để cho nguồn thu từ khu vực này cao hơn và chỉ cần một chính sách tăng thuế không hợp lý sẽ khiến DN và người dân lao đao.