Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng 13-15%/năm. Nhu cầu thị trường còn rất lớn, song sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập cả chục triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bước vào năm 2016 này và chiến lược sau đó nhiều năm thì việc chủ động luôn được đưa ra và đây là mấu chốt của thành công, nhất là khi hội nhập.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Thời gian qua và ngay cả tháng đầu năm 2016, những tác động không nhỏ của nhiều yếu tố khác nhau khiến thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN sản xuất TACN, nhiều cơ sở chăn nuôi trong nước phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản.
Theo giới chuyên gia, hết năm 2015, các DN sản xuất TACN đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi các DN lớn sáp nhập, tạo ra lợi thế về quy mô và sự lấn át thị trường của các DN FDI. Bên cạnh đó, trước sức ép của thị trường, các DN liên tục giảm giá bán sản phẩm trong khi đó giá nguyên liệu tồn kho làm đầu vào sản xuất luôn cao hơn giá bán thành phẩm dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ là không thể tránh được.
Theo những số liệu công bố gần đây cho thấy, trong tổng số gần 200 DN sản xuất thức ăn nhưng DN Việt chỉ sở hữu các nhà máy có sản lượng nhỏ, dưới 50.000 tấn/năm. Thế nhưng, dù chỉ có 15 DN FDI và liên doanh, nhưng những đơn vị này sở hữu tới 44 nhà máy, sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi và chiếm tới 56,2% thị phần cả nước. Hiện các DN FDI đang thống lĩnh trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi nội địa.
Tuy nhiên, bước vào năm 2016, giá nguyên liệu trên thế giới đã gần chạm đáy và có xu hướng ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp TACN trong năm 2016 phát triển. Đặc biệt suốt một năm qua với xu hướng giảm giá bán liên tục cũng là cơ hội cho người chăn nuôi có lợi nhuận và sẽ phát triển mở rộng quy mô trong năm 2016, đây cũng là yếu tố thuận lợi cho các DN sản xuất TACN.
Vốn dĩ thị trường TACN đã khó khăn khi mà nhiều nơi, nhiều địa phương giá gia súc, gia cầm… tụt dốc thê thảm, thậm chí nhiều nơi các hộ dân còn để tình trạng treo chuồng không mặn mà với chăn nuôi. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì chăn nuôi hàng năm vẫn phát triển cả về số lượng và chất lượng thể hiện mỗi năm sản lượng TACN tăng từ 1,0 đến 1,3 triệu tấn/năm. Tình trạng hộ chăn nuôi thua lỗ treo chuồng thường xảy ra với quy mô nhỏ, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế không tự chủ được con giống (các DN sản xuất TACN quy mô nhỏ sẽ bị giảm sản lượng theo xu hướng giảm của các hộ chăn nuôi này).
Trong khi đó quy mô trang trại vẫn tăng đều hàng năm nhưng lại do các DN FDI và DN lớn thống trị và gia tăng sản lượng ở phân khúc này. Xu hướng chung của các DN sản xuất TACN hiện nay bắt buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Không những thế các DN cần phải tạo liên kết chuỗi để gia tăng dịch vụ và lợi nhuận cho người chăn nuôi để gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất TACN, trang trại và người tiêu dùng.
Gia nhập TPP đang được coi là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành sản xuất TACN. Ngành chăn nuôi còn 13 năm để tự hoàn thiện mình trước khi TPP có hiệu lực 100% vào năm 2028. Với tập quán tiêu dùng của người Việt Nam ít ăn thực phẩm đông lạnh và thích ăn các sản phẩm gia cầm đặc sản thì TPP cũng không ảnh hưởng quá lớn đến ngành chăn nuôi như chúng ta đã biết thông tin trên các phương tiện truyền thông thời gian qua.
Hội nhập TPP là hướng tới bình đẳng giữa các DN Việt Nam và các DN nước ngoài trong khối TPP, sẽ không còn chỗ đứng cho các DN với quy mô quá nhỏ, công nghệ lạc hậu năng lực cạnh tranh yếu kém như hiện nay. Hơn nữa, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT cho thấy mức tăng trưởng hàng năm từ 1-1,3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, đàn gia cầm sẽ tăng quy mô gấp đôi, đàn ngan, vịt tăng gấp 3 trong 5 năm từ 2015-2020 sẽ là cơ hội lớn cho các DN sản xuất TACN. Nếu chủ động nắm bắt và làm tốt vấn đề thì ngành chăn nuôi đặc biệt lĩnh vực sản xuất TACN sẽ có đủ sức cạnh tranh khi gia nhập TPP nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.