Đây là khẳng định được các chuyên gia tổng kết lại trong cuộc toạ đàm “Suy nghĩ và phát triển đô thị bền vững như thế nào?”, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Phát triển đô thị cần gắn với tăng trưởng xanh.
Trong những năm qua, quá trình phát triển đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được một số mặt tích cực như gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô lẫn tốc độ. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với gần 800 đô thị. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ đô thị hoá đã khoảng 36%. Con số này sẽ tiếp tục được tăng lên trong nhiều năm tới, tương ứng 1 triệu đến 1,2 triệu cư dân tham gia sống ở các đô thị hàng năm.
Tuy nhiên, gắn với sự phát triển đó là rất nhiều khó khăn thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Theo bà Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây Dựng): Hầu hết các đô thị đều quy hoạch, xây dựng và phát triển theo phương pháp truyền thống, nên thách thức và tồn tại từ phát triển đô thị cũng còn nhiều điều lo ngại, đáng bàn. Ví dụ như số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải, nước thải chưa được xử lý.
Đây cũng chính là lo lắng của ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam. Qua thời gian gắn bó với quy hoạch và phát triển đô thị, ông thấy rằng thực trạng phát triển đô thị Việt Nam hiện nay còn rất nhiều thách thức. “Những thách thức lớn đó là ách tắc giao thông, ngập úng, vấn đề xây dựng sai phép, ô nhiễm môi trường, nguồn lực để đầu tư cho phát triển đô thị. Kèm theo là hiện tượng lấn chiếm các không gian quy hoạch. Ở một vài khu vực lại bộc lộ những kiểu phát triển mang tính cách ly, không phù hợp với tổng thể chung…” – ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, việc kiểm soát quá trình đô thị hoá là việc cần phải đặt lên hàng đầu để tiếp tục phát triển đô thị một cách bền vững. Thứ hai là kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có quy hoạch. Thứ ba là vấn đề toàn cầu phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, không chỉ riêng của Việt Nam, nhưng Việt Nam là nước cần đặt lên hàng đầu. Sau đó là phát triển đô thị gắn kết tăng trưởng xanh. Đây là mô hình thế giới đang tiếp tục, và chúng ta cũng cần đặt lên làm xu hướng chung.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển đô thị Việt Nam đưa ra ý kiến: Phát triển bền vững là phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu hiện tại và đảm bảo không làm tổn thương khả năng đáp ứng của thế hệ tương lai. Có như thế mới giúp mọi người trong xã hội đều có quyền bình đẳng và luôn gắn kết phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng môi trường.
Theo bà Sơn, để hướng tới phát triển đô thị bền vững đòi hỏi chúng ta duy trì cân bằng giữa môi trường tự nhiên với khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người…
Trước kia phát triển bền vững tại Việt Nam thường dựa trên 3 tiêu chí: kinh tế – xã hội – môi trường. Tuy nhiên ba tiêu chí này đã không đặt môi trường lên trước nhất nên khó có thể phát triển đô thị một cách bền vững được. Chúng ta phải đưa yếu tố môi trường cùng các biện pháp bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia có mặt. Bà Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Môi trường – xã hội và kinh tế đều là ba trụ cột quan trọng. Tuy nhiên khi đề cập đến phát triển bền vững, trước đây các học giả thường hay đề cập theo thứ tự kinh tế - xã hội và môi trường. Hiện nay, đã có nhiều người đề cập là môi trường – xã hội và kinh tế , cho thấy sự sắp xếp thứ tự trước sau đã thay đổi, thể hiện được vấn đề vấn đề nào là vấn đề quan trọng nhất.