Đổ tiền tỷ vào nước sạch, dân vẫn 'khát'

CẨM KỲ 05/08/2023 07:47

Dù sống bên cạnh nhà máy cung cấp nước sạch được đầu tư hơn 12 tỷ đồng, thế nhưng hàng trăm người dân tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn phải chịu cảnh “khát” nước. Vì sao vậy?

Để có nước sinh hoạt, mỗi ngày gia đình ông Đào Xuân Thịnh phải mua 2-3 bình 20l nước sạch về sử dụng.

Vừa qua, người dân tại các thôn Tân Phong, Thanh Long, Bình Sơn và Vĩnh Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) phản ánh về việc nhiều tháng nay, họ phải sống trong cảnh sinh hoạt khó khăn do không có nước sạch.

Ông Đào Xuân Thịnh (69 tuổi, trú tại thôn Tân Phong) cho biết, nguồn nước trong thôn bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Đặc biệt, vào mùa hè tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng, khi nhà máy nước đi vào hoạt động, người dân địa phương vui mừng vì thoát cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Từ khi nhà máy nước của xã đi vào hoạt động, gia đình ông Thịnh cũng như nhiều hộ dân khác sử dụng nguồn nước này để phục vụ cho việc ăn uống, tắm giặt... Tuy nhiên, khoảng hơn 2 tháng nay, bỗng nhiên nhà máy dừng hoạt động khiến cuộc sống của nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn.

“Để có nước phục vụ sinh hoạt, gia đình tôi phải đi mua nước đóng bình từ một cơ sở kinh doanh nước sạch trong xã về sử dụng cho việc ăn uống. Mỗi ngày gia đình tôi sử dụng khoảng 2 - 3 bình 20 lít, mỗi bình như thế phải mua với giá 5 nghìn đồng” - ông Thịnh nói.

Trước tình trạng nhà máy cấp nước dừng hoạt động, hàng trăm hộ dân tại xã Đỉnh Bàn phải tự tìm nguồn nước sạch để thay thế.

Chị Trần Thị Hồng (38 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Sơn) cho biết, ngoài việc phải đi mua từng can nước về để sử dụng hằng ngày, gia đình chị còn bơm nước từ giếng khoan, sau đó cho chảy qua bể lọc để sử dụng. Tuy nhiên, dù được lọc qua bể nhưng nguồn nước giếng vẫn có màu vàng vì bị nhiễm phèn nặng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch xã Đỉnh Bàn được xây dựng trên núi Nam Giới (thuộc thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn) với tổng mức đầu tư hơn 12,5 tỷ đồng.

Công trình do xã UBND Đỉnh Bàn làm chủ đầu tư, nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và một phần do người dân trong xã đóng góp. Theo thiết kế, nguồn nước cung cấp cho nhà máy được lấy từ dòng khe Hao trên núi Nam Giới.

Nhà máy nước xã Đỉnh Bàn được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022 với chức năng cung cấp nước sạch cho khoảng 600 hộ dân tại các thôn Tân Phong, Thanh Long, Bình Sơn và Vĩnh Sơn.

Nhà máy nước sử dụng nguồn nước đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào dòng nước trên khe Hao nên khi thời tiết nắng nóng, khô hạn khiến nước trong hồ bị cạn kiệt, do đó công trình cấp nước phải ngừng hoạt động.

“Trước đây, lúc khảo sát để đầu tư nhà máy nước sạch, các đơn vị liên quan cũng đã tính đến tình huống khó khăn khi nguồn nước khe khan hiếm, khô cạn vào mùa hè nhưng vì nhu cầu bức thiết của người dân nên vẫn đầu tư” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trước sự việc nguồn nước bị khan hiếm, chính quyền địa phương đang xin chủ trương của các cơ quan ban ngành liên quan để thực hiện khoan giếng tại vị trí có nước ngầm dồi dào rồi tiến hành đấu nối nguồn nước này vào hệ thống đường ống có sẵn của nhà máy nước.

“Tuy nhiên, để thực hiện được, phải tiến hành khảo sát, thăm dò và được sự cho phép của ngành Tài nguyên và môi trường” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổ tiền tỷ vào nước sạch, dân vẫn 'khát'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO