Sau thời gian dài trầm lắng, hiện thị trường lao động đã có nhiều chuyển động. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tăng mạnh, tuy nhiên số lao động phổ thông có việc làm lại giảm. Đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này?
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (công ty chuyên cung ứng giải pháp nhân sự) cho biết, từ quan sát của đơn vị này cũng như qua các đơn hàng tuyển dụng nhận được từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở khu vực miền Nam có sự khởi sắc và nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) là đối tác của công ty trong lĩnh vực sản xuất có nhu cầu tuyển dụng tăng tối thiểu 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở các khu vực như: Bình Dương, Đồng Nai, Củ Chi, quận 9 (TPHCM).
“Đặc biệt, một số DN trong ngành thương mại điện tử và logistics đang dự kiến tăng số lượng tuyển dụng gấp 4 lần từ giờ tới cuối năm, và với tình hình hiện tại tăng đều đặn 10-20% mỗi tháng trong nửa đầu năm 2024. Nhu cầu tăng khiến cũng khiến thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh” - bà Hương nói và cho biết thêm quý 1 năm nay cả nước có gần 59,9 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, do phụ thuộc vào yêu cầu sản xuất hoặc đơn hàng, và phải cân đối bài toán chi phí lao động trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, giá nguyên liệu tăng… ngày càng nhiều DN tuyển các vị trí thời vụ. Trong khi đó, người lao động lại không mặn mà với các vị trí này vì cho rằng không ổn định. Vì thế, DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động ở các vùng sâu vùng xa, đây là nơi những người ít có cơ hội tiếp cận với internet, công nghệ. Mặt khác, nhiều DN chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng nên không được người lao động biết đến, khó thu hút.
Dữ liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 1 năm 2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng cho biết, đang có tình trạng DN khó tuyển lao động. So sánh cung cầu lao động tại Trung tâm cho thấy, có đến 40.000 vị trí việc làm DN tuyển dụng mà không có lao động ứng tuyển.
Vì sao có sự lệch pha?
Dù DN tăng tốc tuyển dụng ở phân khúc phổ thông tuy nhiên số lao động phổ thông thất nghiệp không ít. Thống kê 5 tháng đầu năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu hướng về nhóm nhân lực không yêu cầu bằng cấp chứng chỉ, khoảng 836.000 người. Trình độ đại học và trên đại học chiếm 19%, khoảng 361.000 người. Ngành công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn về nhu cầu lao động, gần 52%; trong khi dịch vụ chiếm trên 38% và nông lâm ngư nghiệp gần 10%.
Nhiều chuyên gia lao động cũng nhận định, thị trường lao động có sự lệch pha không ở nguồn cung lao động chất lượng, kỹ thuật mà còn có sự lệch pha lớn của phân khúc lao động phổ thông. Bên cạnh yếu tố lương thì theo quan sát thực tế cũng như dữ liệu thống kê từ ngành chức năng cho thấy, đại dịch đã khiến người lao động phổ thông thay đổi về những mong muốn khi đi tìm việc. Bên cạnh lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của DN, sức khỏe, sự an toàn hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Ví dụ số ngày nghỉ mỗi tháng, hay sự tiện lợi khi di chuyển tới chỗ làm. Đặc biệt, do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, cùng với sự nở rộ của các DN, nhà máy tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê để được làm việc gần nhà hơn. Ngoài ra, một số lao động phổ thông chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: Bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do…
Theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc - chuyên trang tuyển dụng Việc làm tốt, lượng đăng tin tuyển dụng của DN trong quý 2 tăng 30% so với quý 1. Mức độ tăng trưởng mạnh nhất ở các lĩnh vực như bán hàng trong ngành bán lẻ, nhân viên kho vận, văn phòng tăng hơn 40%, con số này lần lượt ở khối nhân viên kinh doanh, tạp vụ là 30%, công nhân tăng 24%. Cùng với đó, nhu cầu tìm việc ở của người lao động ở quý này cũng tăng 18%.
Theo bà Ngọc, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do sự lệch pha giữa kỳ vọng mức lương và khả năng chi trả. Cụ thể, người lao động mong lương cao hơn để bù đắp phần nào giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng. Trong khi ở chiều ngược lại, khoảng lương trung bình của một số ngành nghề đăng tuyển nửa đầu năm 2024 lại giảm 8-13% so với cùng kỳ. Các ngành giảm mạnh là nhân viên kinh doanh, công nhân, bảo vệ. Chỉ một vài ngành ghi nhận tăng thêm hơn 15% là bán hàng trong lĩnh vực bán lẻ và nhân viên phục vụ F&B.
Để ổn định thị trường lao động cuối năm, theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu (Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - Falmi), DN cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho 3 loại lao động (lao động quản lý, lao động gián tiếp và lao động trực tiếp) gắn với từng ngành, trình độ cụ thể định kỳ ngắn, trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu phát triển của mình. Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho mình những kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc và phát triển trong tương lai.
Thường xuyên kết nối, tương tác với các DN trong hoạt động tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng nhận thấy, luôn có những sự lệch pha trên thị trường lao động. Nghĩa là, người đi tìm việc vẫn rất nhiều, còn DN đang cần tuyển dụng nhưng không tìm được nhân sự.
“Sự tiệm cận giữa cung và cầu trong bất kể thời điểm nào đều có khoảng cách. Thực tế, trên thị trường lao động, ở mỗi giai đoạn đều có những phân khúc, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng khác nhau. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng có nhiều sự lựa chọn để tìm kiếm vị trí việc làm mà họ cảm thấy phù hợp và đem lại mức thu nhập tương xứng” - ông Thành nói.
Đây là một trong những lí do, có những DN đến các phiên giao dịch việc làm tuyển được nhiều lao động, nhưng cũng có những công ty chỉ tìm được một vài người, thậm chí không tìm được ai.
Để kéo gần khoảng cách này, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết trong quá trình trao đổi với các DN, đơn vị luôn cố gắng tư vấn cụ thể, chi tiết nhất để công ty có thể đưa ra các chế độ, quyền lợi, yêu cầu phù hợp đối với người lao động. Từ đó, đảm bảo sự hài hòa giữa các bên, đặc biệt giữ được người lao động.
Về phía người lao động, ông Thành cho rằng, họ cần đánh giá, tìm hiểu cụ thể về các vị trí việc làm, phân khúc của thị trường lao động. “Tâm lý của người làm công ăn lương chắc chắn đều mong muốn có thu nhập tốt đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn cần đánh giá kỹ khả năng với vị trí công việc để có lựa chọn phù hợp nhất” - ông Thành lưu ý.
Theo bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam, nhờ có thời đại số, chưa bao giờ người lao động lại được tiếp cận với nhiều thông tin việc làm như hiện nay. Tận dụng lợi thế này đa phần DN đều tuyển dụng nguồn nhân lực trên các nền tảng điện tử. Tuy nhiên, với những lao động phổ thông sống ở các địa phương nhỏ, họ ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, thậm chí không có điện thoại thông minh, hay internet thì gần như không biết đến các cơ hội việc làm trên thị trường phù hợp với họ. Để hạn chế sự lệch pha, DN cần hiểu mỗi phân khúc lao động sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi tìm kiếm công việc có ý nghĩa. Thấu hiểu được những điều này sẽ giúp DN có chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động phù hợp, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng.