Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một trong những điểm nghẽn để tăng năng suất lao động, thậm chí điều này có thể khiến các nguồn đầu tư nước ngoài suy giảm. Chính vì vậy, phát huy lao động trở về từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... được coi là một trong những giải pháp để rút ngắn khoảng cách chất lượng nguồn nhân lực.
Sang Nhật Bản làm việc với tấm bằng cao đẳng nghề cơ khí, sau 3 năm trở về nước, anh Nguyễn Quốc Dũng (Bắc Giang) có được hơn 300 triệu đồng làm vốn. Nhận thấy số tiền này chưa đủ để mở xưởng cơ khí nên anh quyết định gửi hồ sơ đi xin việc.
Dễ dàng xin được việc sau khi về nước
“Vì muốn làm tại quê nhà nên tôi chuẩn bị tâm lý xin làm công nhân với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Nhưng khi biết tôi đã có thời gian đi làm việc tại Nhật, công ty xếp tôi vào vị trí tổ phó tổ cơ khí. Với vị trí này lương khởi điểm của tôi đã ở mức 15 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ cấp và làm tăng ca”- anh Dũng phấn khởi.
Cũng giống như anh Dũng, anh Nguyễn Quốc Trụ (Bắc Ninh) cũng từng đầu quân cho một công ty Nhật Bản. Đã được rèn luyện kỹ năng, tác phong công nghiệp cộng với vốn ngoại ngữ kha khá nên chỉ sau 2 năm đi làm anh đã lên vị trí tổ trưởng. Ngoài quản lý tổ sản xuất, vì biết ngoại ngữ nên anh Trụ thường xuyên được công ty cho đi học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn do các chuyên gia người Nhật giảng dạy. Sau khi học về anh được công ty giao cho dạy lại người lao động trong dây chuyền của mình. Có kĩ năng nghề, biết ngoại ngữ nên hiện dù làm việc ngay tại chính quê nhà nhưng mức lương hàng tháng anh được nhận cũng không hề thua kém so với khi làm ở Nhật Bản.
Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật ở các nhà máy đang rất phổ biến nên cơ hội cho những lao động đã từng làm việc ở nước ngoài trở về rộng mở hơn bao giờ hết. Các công ty cũng ưu tiên tuyển chọn nhưng lao động này vì khả năng hòa nhập nhanh, không cần đào tạo lại.
Với nhiều năm hợp tác tuyển dụng cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Đỗ Thùy Linh - Phó Giám đốc Công ty CP Kết nối nhân lực Work Link cho biết, các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam rất quan tâm đến lao động từ nước ngoài trở về. Họ ưu tiên tuyển người biết tiếng Nhật, Hàn để thuận lợi trong công việc. Bên cạnh đó, lao động biết tiếng còn là cầu nối giữa quản lý người nước ngoài và công nhân trực tiếp sản xuất và họ thường được đào tạo để trở thành quản lý trong tương lai.
Anh Dũng, anh Trụ chỉ là hai trong nhiều trường hợp đi nước ngoài về có tay nghề vững vàng, làm việc đúng chuyên ngành và cuộc sống khá sung túc. Trong khi đó, mỗi năm có hàng chục nghìn lao động Việt Nam ở nước ngoài trở về. Nếu đưa những lao động này trở lại thị trường lao động đúng chỗ thì đây chính là nguồn lực để đất nước bứt phá nhanh.
Làm sao để tận dụng?
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam đang dư thừa lao động có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Hiện cả nước chỉ có hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, còn lại phần lớn thiếu kỹ năng nghề, không đáp ứng nhu cầu DN. Rõ ràng hiện nay nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Song song với đó, tình hình này có thể sẽ khiến nước ta phải chịu sức ép về giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Chỉ ra những điểm yếu của chất lượng nguồn nhân lực tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia” mới đây, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, có thực tế là các DN vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này dẫn đến nhiều DN đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng. Các nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ.
Cũng chính vì thế mà các chuyên gia cho rằng cần tận dụng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài về nước. Bởi qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, những lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu 2 quốc gia phát triển, văn hóa DN nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa.
Để tận dụng được tiềm năng từ nguồn nhân lực “hậu” xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Thành Kính - Chủ tịch Hội đồng quản trị EK GROUP cho rằng, giải pháp tốt nhất để tạo việc làm bền vững cho người lao động “hậu xuất khẩu” về nước là trang bị cho họ vốn kiến thức, ngôn ngữ thông qua quá trình đào tạo bài bản. Muốn vậy các DN cần liên kết với các trường đào tạo nghề, tạo cơ hội cho người lao động vừa làm, vừa học từ xa và được cấp bằng trung cấp, cao đẳng sau khi về nước.
Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước là nguồn nhân lực có kinh nghiệm, góp phần tạo động lực tại địa phương bởi đã được tích lũy kỹ năng trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Những lao động này sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển đất nước, gia đình và cá nhân họ. Chính vì vậy, thời gian qua cùng với việc triển khai các phiên giao dịch việc làm kết nối lao động trong nước, các Trung tâm dịch vụ việc làm tại 63 địa phương đều tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối DN với lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước.
Ông Bình cũng cho rằng, các phiên giao dịch việc làm giúp các bạn trẻ khi về nước không bị bỡ ngỡ, có thể tìm kiếm việc làm tại các DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều lao động trở về nước đã khởi nghiệp thành công
Theo ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, những lao động sau khi hoàn thành các chương trình về nước là lực lượng lao động có kinh nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng như am hiểu văn hóa cùng cách thức làm việc của DN nên họ có rất nhiều cơ hội việc làm tại các DN Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong số những lao động đã về nước, nhiều người bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các DN.
Nhận thấy đây là nguồn nhân lực chất lượng, chính vì vậy, hơn 10 năm qua, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, kết nối lao động chương trình EPS (phái cử làm việc tại Hàn Quốc), thực tập sinh chương trình IM Japan (Nhật Bản) về nước với các DN có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam và các DN khác tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, chúng ta vẫn chưa tận dụng được hết nguồn nhân lực này. Do vậy, các địa phương cần đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nghề cho những lao động trở về nước. Việc đào tạo lại nghề cho những lao động này ít tốn kém hơn mà đem lại hiệu quả cao hơn do những lao động này đã có thời gian làm việc tại những DN chuyên nghiệp tại các nước.
M.Long