Kinh tế

Nhân lực công nghệ cao “đắt hàng”

LÊ ANH 27/02/2024 08:10

Với lượng lớn doanh nghiệp và người lao động đã trở lại làm việc, thị trường lao động năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh được dự báo có nhiều điểm sáng. Trong đó, các ngành về công nghệ cao cũng như nhu cầu về nhân lực có trình độ chiếm ưu thế.

anhbaitren(1).jpg
Nhu cầu lao động có tay nghề, kỹ thuật tại TPHCM được dự báo sẽ chiếm tỷ lệ cao trong năm 2024. Ảnh: H.Phúc.

Công nghệ cao “hút” người trẻ

Từ bỏ công việc tại một công ty chuyên thêu thùa trên áo dài truyền thống, với mức thu nhập khá cao từ 700 - 950 nghìn đồng/ca (8 tiếng), chị Lã Thị Dung (43 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) đã quyết tâm học cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. “Tôi được biết, tới đây TPHCM hợp tác với nhiều quốc gia phát triển để phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, vốn là các lĩnh vực mà TPHCM còn rất thiếu nhân lực. Do đó, việc có trình độ tiếng Anh là cần thiết để hội nhập và phát triển bản thân” - chị Dung chia sẻ.

Cũng như chị Dung, kỹ sư Trần Văn Phương đang có công việc ổn định trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ về phòng cháy chữa cháy cũng bày tỏ quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ cao, bởi theo anh Phương đó là nhu cầu trong 10 - 20 năm tới tại TPHCM và các đô thị lớn. “Mới đây, một người bạn có chia sẻ với tôi về Chương trình đào tạo nhân lực cao ngành vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Tôi dự định sẽ tham gia chương trình này, để nắm bắt cơ hội mới” - anh Phương cho biết.

GS.TS Đặng Lương Mô, cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, vừa qua Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (ESC) và Khu Công nghệ cao TPHCM đã phối hợp các đối tác khai giảng khóa đào tạo cho giảng viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Việc này nhằm mở ra nhiều cơ hội để phổ biến kiến thức về công nghệ cao ra toàn xã hội. Ông Mô cũng bày tỏ kỳ vọng các giảng viên tham gia khóa đào tạo lần này quan tâm hơn đến việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng AI trong thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14%/năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực. Ông Thi nhận định, khu vực Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này. Riêng TPHCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm.

Khởi sắc“nguồn cầu” lao động

Qua khảo sát nhanh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tính đến ngày 19/2, đã có 98% doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại với khoảng 97% người lao động quay lại làm việc. Đây là kết quả hết sức khả quan khi nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán là khá lớn, vào khoảng 52.000 lao động ở nhiều ngành nghề, công việc khác nhau. Đáng chú ý, ghi nhận tại các DN được khảo sát cho thấy, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết chỉ dưới 3%. Các DN này chủ yếu hoạt động trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính.

Ngay đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng đã tổ chức 7 phiên sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến tại trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp. Đơn vị này đã chủ động thu thập, tư vấn việc làm cho gần 21.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 2.300 lượt người. Đồng thời, tiếp nhận hơn 1.200 DN thông báo tuyển dụng lao động với hơn 1.800 vị trí tuyển dụng.

Dự kiến chung cho cả năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) cho rằng, sẽ có nhiều biến động về cơ cấu lao động. Cụ thể, lực lượng lao động trong năm nay ước tính hơn 5,1 triệu người, trong đó lực lượng lao động nữ chiếm gần 2,4 triệu người (46,29%).

Với mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 8,5%, FALMI dự báo nhu cầu nhân lực cả quý 1/2024 cần khoảng 77.500 - 86.000 người và quý 2 là vào khoảng 75.470 - 77.168 người. Kế đến, quý 3 TPHCM cần khoảng 68.910 - 73.504 người và quý 4 sẽ cần khoảng 78.120 - 83.328 nhân lực.

Về cơ cấu theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm cao nhất là 71,31% tổng nhu cầu nhân lực cả năm 2024. Kế đến là khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,58% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,11%.

FALMI dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu trình độ lao động (chiếm 87%). Riêng nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,57%, trung cấp là 23,94%, cao đẳng chiếm 21,28% và đại học trở lên chiếm khoảng 22,21%. Lao động phổ thông chỉ chiếm khoảng 13%.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) dự báo, nhu cầu lao động qua đào tạo sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu trình độ lao động (chiếm 87%). Riêng nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,57%, trung cấp là 23,94%, cao đẳng chiếm 21,28% và đại học trở lên chiếm khoảng 22,21%. Lao động phổ thông chỉ chiếm khoảng 13%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực công nghệ cao “đắt hàng”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO