Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Logistics Việt Nam (VLA), logistics xanh sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng đầu tư vào logistics
Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị đã đầu tư thay mới đèn led nhằm giảm hao phí năng lượng cho hệ thống chiếu sáng, hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nguy hại tại các khu vực cảng. Đơn vị này cũng tối ưu hóa chuỗi vận hành thông qua 2 quy trình là giám sát tình trạng kỹ thuật của cẩu khung từ xa và kiểm tra tình trạng giao nhận container thông qua hình ảnh. Ngoài ra, Tân Cảng Sài Gòn còn đang thực hiện các dự án sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như: gạch không nung, kính chắn tia UV...
Tương tự, Cảng Quốc tế Long An cũng chọn logistics xanh làm tiêu chí phát triển. Ông Võ Quốc Huy – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Long An khẳng định: “Chúng tôi đẩy mạnh tiếp cận chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu rác thải, khí thải bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Theo đó, các công trình trên cảng được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn led tiết kiệm năng lượng...”.
Không chỉ riêng các cảng hàng hóa thực hiện theo hướng xanh hóa, nhiều kho hàng cũng phát triển theo xu hướng chung. Công ty FM Logistic – đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp đầu tư trung tâm phân phối đa khách hàng hiện đại với diện tích trên 20.000m2 (khả năng mở rộng lên đến 50.000m2), cùng 78 cửa xuất nhập hàng tại Bình Dương. Ông Jean–Christophe Machet – Giám đốc Điều hành toàn cầu FM Logistic kỳ vọng, cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng đa kênh bền vững. Ngoài ra, FM Logistic muốn trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics trong top 3 Việt Nam.
Nói về logistics xanh, ông Henry Võ – Giám đốc Xuất khẩu đường biển của Expeditors cho biết: Logistics nước ngoài đã hướng đến phát triển xanh, DN logistics Việt Nam cũng phải hướng đến xu hướng này. Đơn cử, nhà kho sử dụng điện mặt trời, nguyên liệu vận chuyển dùng nguyên liệu mới... Logistics xanh sẽ gia tăng chi phí đầu tư ban đầu của DN dẫn đến lợi nhuận giảm nhưng không thể không làm.
Xu hướng tất yếu
Xanh hóa ngành logistics không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc với DN. DN logistics Việt Nam lấy xanh hóa làm động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển toàn diện, bền vững.
Ông Đào Trọng Khoa – Chủ tịch VLA thông tin, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu xanh hoá các ngành kinh tế. Cùng với đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lần đầu tiên Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. “Phát triển xanh và bền vững là chiến lược phát triển mà Việt Nam đang hướng đến trong thế kỷ 21. Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm. Logistics xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng để các DN logistics đóng góp vào chiến lược này” - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, ngành logistics đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam khắc phục khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 cũng như những biến động địa chính trị trên toàn cầu. Logistics góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Cụ thể, vượt mốc 600 tỷ USD vào năm 2021, 700 tỷ USD vào năm 2022, năm 2023 đạt 683 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi, xếp hạng 4 về chỉ tiêu cơ hội logistics quốc tế, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. DN dịch vụ logistics ngày càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
TPHCM đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đề án, TPHCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10%, năm 2030 đạt 12%. Trong đó, định hướng ưu tiên ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để hỗ trợ, mở rộng thị trường ngành logistics.