Tại thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng rất có thể “chuyến tàu cổ phần hóa” tiếp tục lỗi hẹn. Năm 2017 có 69 doanh nghiệp cổ phần hóa (DN CPH) với tổng giá trị vốn nhà nước là 160 ngàn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 75.000 tỷ đồng.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
5 tháng vừa qua IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) được 21 DN thu được 5.000 tỷ đồng. Nếu tính tổng số vốn nhà nước được thoái là 9.000 tỷ đồng thì thực thu là 139.000 tỷ đồng, trong đó có Sabeco.
“Con tàu lăn bánh” một cách chậm chạp
Mục tiêu CPH DNNN được đặt ra cấp bách, nhưng việc thực thi từ các cấp chưa hiệu quả. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 5-2018 mới có 5 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng.
Nhận xét về “chuyến tàu CPH”, PGS Ngô Trí Long lưu ý, tiến trình CPH và thoái vốn DNNN bắt đầu từ năm 1992, nhưng qua 26 năm nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp. Ông Long nêu vấn đề, dù số lượng từ 12.000 đã giảm còn mấy trăm DN song điều đáng nói là tỉ lệ vốn sở hữu của các nhà đầu tư chiến lược còn thấp, khiến năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất của DN thấp.
Tương tự, theo ông Lê Song Lai- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), việc CPH, thoái vốn DNNN vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù quy định hiện hành không nêu cụ thể nhưng thường đặt mục tiêu cao nhất là tối đa hoá giá trị vốn thu về cho cổ đông nhà nước. Với cơ chế này việc chọn nhà đầu tư chiến lược cho DN rất khó thực hiện- theo ông Lai.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để đẩy nhanh quá trình CPH thì cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP; sớm ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần, cùng đó là tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý công nợ trước khi bán vốn. Và đã đến lúc phải ban hành Luật CPH, đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý vốn.
Ở các góc độ khác nhau, các chuyên gia kinh tế cũng đã tìm cách để lý giải nguyên nhân vì sao CPH DNNN chậm trễ. Giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cả nước phải CPH được 127 DN, trong đó năm 2017 là 44 DN, năm 2018 là 64 DN, năm 2019 là 18 DN và năm 2020 là 1 DN.
Theo đại diện Cục Tài chính DN, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến CPH chậm là trong giai đoạn này, các DN tham gia CPH đều có quy mô rất lớn, các tổng công ty, tập đoàn hầu hết có vốn nhà nước lên đến hàng chục hoặc hơn chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định mới, DN CPH không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các DN phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị DN. Quá trình này tốn nhiều thời gian.
Một thực tế khác rất có thể có những DN không thể tiến hành CPH, đặc biệt là trong giai đoạn này, do vướng mắc về vốn, tài sản, trong đó có giá trị đất. Theo Đoàn giám sát Quốc hội ngày 28/5, những DN chưa CPH được theo kế hoạch, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đều là những DN có khó khăn, vướng mắc về vốn, tài sản, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, vướng mắc về quyền lợi của các cổ đông... nên rất khó CPH thành công.
“Nhiều trường hợp không thể CPH được nếu không có biện pháp tháo gỡ”- Đoàn giám sát nhấn mạnh. Trong đó có thể kể ra Công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội)...
“Yếu tố đất” trước, trong và sau CPH
Một vấn đề quan trong nữa trong quá trình CPH chính là việc đánh giá không chính xác giá trị tài sản, sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, xác định giá trị DN chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị DN để CPH, cũng như tạo ra lỗ hổng cho một số cá nhân trục lợi.
Khi xác định giá trị DN để CPH, còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Từ đó có việc sau CPH, DN cổ phần không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.
Vấn đề đất trong CPH, ngày 28/5, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp Luật Đất đai.
“Đây chính là những tồn tại của khâu tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình CPH DNNN, phản ánh chưa đầy đủ giá trị DN khi CPH cũng như nguyên nhân một số DN, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi CPH chuyển DNNN sang công ty cổ phần”- Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh hoặc là trụ sở văn phòng sang đất nhà ở thì phải tính tiền sử dụng đất theo đất ở và đất ở đây cũng là yêu cầu theo thị trường, nhưng vừa qua điều đó đã không làm được. Do đó cần siết chặt hơn khâu này, đặc biệt là kiểm định đổi mục đích sử dụng đất.
Cuối cùng, theo giới chuyên gia, cũng cần phải nói rằng bên cạnh những lý do “khách quan”, còn có một thực tế là không ít DN chây ì, không chịu CPH, với những “trình bày hoàn cảnh” thiếu cơ sở pháp lý lẫn thực tế của DN. Không loại trừ trong đó có việc chưa tìm được “đối tác hợp lý” để thực hiện những cú bắt tay.