Hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh đơn thuần mà phải hướng đến kinh doanh có trách nhiệm, hướng đến tăng trưởng bền vững. Việc Việt Nam tham gia sâu vào 17 hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội rất lớn song cũng đặt ra yêu cầu, doanh nghiệp phải biết tận dụng và am hiểu các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật, sản xuất xanh.
Chủ động đổi mới
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thách thức với các doanh nghiệp (DN) hiện nay là nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đều tăng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đối với bao bì sản phẩm. Trong đó, quy định EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng là vấn đề cần quan tâm. Quy định này không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà được mở rộng phạm vi đến việc quản lý chất thải sau tiêu dùng. Điều này buộc các DN phải tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.
Tương tự, các DN ngành dệt may cũng cho biết, thị trường tại nhiều quốc gia châu Âu đang đặt ra quy định về việc hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng. Điều này đòi hỏi các DN sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, thân thiện với môi trường.
Cũng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho hay, đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu chuyển đổi sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế, nhằm đáp ứng sản xuất xanh và tuần hoàn, để bắt kịp xu thế mà các nhà nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản yêu cầu.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết đã bắt đầu nhận nhiều đơn hàng có tỷ lệ tái chế tăng dần lên, hướng tới sản xuất trọn gói 1 sản phẩm xanh. "Chúng tôi đã có những đơn hàng kéo dài kéo dài 4 - 5 tháng từ kéo sợi tái chế, dệt kim, nhuộm hoàn tất, may. Nếu đạt được đúng cam kết thì đến quý 1 - 2/2023, tỷ lệ các sản phẩm này có thể đạt 25% tổng sản lượng" - ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các DN dệt may là thành viên Ủy ban Bền vững của VITAS sẽ giảm được 15% lượng tiêu thụ năng lượng và 20% tiêu thụ nước. Đây đều là những tiêu chí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, những yêu cầu này đặt ra bài toán cho các DN về việc đổi mới công nghệ, cải tiến thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Điều này cần có sự kết hợp giữa các yếu tố chuyên môn kỹ thuật, pháp lý và môi trường một cách có hệ thống và toàn diện. Mặc dù có thể tốn kém chi phí trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài, việc đáp ứng này sẽ giúp tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đón cơ hội
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu. Việc ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương mở ra cơ hội lớn cho DN xuất nhập khẩu. Chẳng hạn Hiệp định EVFTA là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn rất cao mà Việt Nam tham gia đã giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14%.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) lưu ý, hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. DN cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Ngoài ra, EU là thị trường rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn DN nhập khẩu tự đặt ra. Điều này đòi hỏi DN cần có những chuyển đổi mô hình, để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững”- ông Thái khuyến nghị.
Để chinh phục những thị trường khó tính, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các DN cần nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh để có được lợi thế cạnh tranh, trước khi các quốc gia xuất khẩu khác vượt lên trước.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững của DN phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (EESG). Phát triển xanh, bền vững là một quá trình lâu dài nên phải thống nhất được nhận thức từ người lãnh đạo cao nhất đến từng cán bộ, nhân viên trong DN. Chỉ khi đã nhận thức được thì mới thấy sự cần thiết để quyết tâm thực hiện mô hình phát triển bền vững trong DN”.