Tình hình hội nhập kinh tế sâu rộng chắc chắn không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhằm chiếm thị phần tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, muốn cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải loại bỏ phương thức kinh doanh cũ, thay đổi theo phương thức hiện đại hơn.
Doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh bằng việc đặt ra mục tiêu về sự hài lòng của khách hàng khi dùng sản phẩm.
Chia sẻ về nỗ lực của doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế khẳng định, càng hội nhập doanh nghiệp càng phải thay đổi để cạnh tranh tốt hơn. Còn ngược lại, doanh nghiệp sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi. Ông Nguyễn Dương - chuyên gia phát triển chiến lược quản trị trải nghiệm khách hàng cho biết, khách hàng chính là người lựa chọn sản phẩm. Thế nên, tạo được tiếng thơm lan tỏa hay bị khách hàng quay lưng đều có nguyên nhân. Không ai khác ngoài bản thân doanh nghiệp quyết định số phận về sản phẩm của mình.
Chấp nhận cạnh tranh, có không ít đơn vị xác định rõ chiến lược phát triển ngay từ ban đầu. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Phó giám đốc Dịch vụ và Khai thác mặt đất Bamboo Airways chia sẻ: “Thị trường hàng không Việt Nam có 72 hãng khai thác, phân khúc hãng hàng không bay nội địa đến nay cũng đã có 5 hãng. Vậy, chúng tôi làm gì để cạnh tranh?”. Theo bà Trang, một trong những chiến lược của hãng Bamboo Airways là lấy khách hàng làm trung tâm và tập trung cho sự trải nghiệm của khách hàng. Khách hàng là gia đình có con nhỏ đi cùng sẽ có gói phục vụ hỗ trợ ngay từ khu vực kiểm soát vé, lên máy bay có món ăn riêng dành cho trẻ em, có đồ chơi cho trẻ để tạo nên sự thoải mái suốt chuyến bay cho tất cả thành viên.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, làm bất cứ điều gì thì mục tiêu hướng đến vẫn phải là để khách hàng hài lòng. Việc làm khách hài lòng giờ đây quan trọng và ý nghĩa hơn hẳn, bởi không còn gì là mới mẻ, không có gì mà người khác chưa làm.
“Muốn tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp phải xác định thực trạng của mình, đưa ra phương án tiếp cận khách hàng với nhiều góc độ, qua nhiều phương tiện để có hướng đi phù hợp. Đặc biệt, phải có văn hoá lấy khách hàng là trung tâm thì mới có thể tạo nên được những trải nghiệm sâu sắc”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI nhận định, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể hình thành và tạo nên thị trường. Sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực có ý nghĩa rất to lớn. Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, năng lực cạnh tranh của các thương hiệu Việt đã được cải thiện đáng kể. Sản phẩm Việt không chỉ khẳng định tại thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi doanh nghiệp lấy khách hàng làm trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh doanh, tức là doanh nghiệp đang tăng giá trị cho sản phẩm. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng kinh tế mà còn thể hiện văn hoá kinh doanh nhân văn, từ đó góp phần tiến tới sự đột phá về văn minh thương mại và văn hóa tiêu dùng trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới.