Tây Nguyên không chỉ là vùng núi non hùng vĩ, nơi có không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO vinh danh mà còn có nhiều điều hấp dẫn khác. Trong đó, ẩm thực Tây Nguyên được đánh giá cao.
Cơm nướng, đặc sản Tây Nguyên Trước hết, người ta biết đến rượu cần Tây Nguyên như một đặc sản bậc nhất. Trong tất cả các lễ hội, những ché rượu cần tạo ra một không gian hưng phấn, làm mọi người trở nên cởi mở, gần gũi nhau hơn. Rượu cần cũng được dùng để tế lễ thần linh đã bảo vệ chở che, ban cho con người những điều tốt lành. Rượu cần không làm người ta say gục ngã, mà tạo ra sự lâng lâng ngây ngất. Nhưng còn một loại rượu nữa rất độc đáo của nhiều dân tộc trên dải đất Tây Nguyên, đó là rượu cây, thường được ngâm từ rễ đinh lăng. Loại rượu này chỉ được uống sau một mùa rẫy kết thúc, uống trong rừng dưới những gốc cây to. Người Bahnar, Xê Đăng, Jrai gọi mùa này là "tháng Ninh Nơng”. Những người đi rừng cùng chia sẻ cuộc sống với nhau trong rừng, bên chén rượu nồng nàn. Đó được coi như một biểu hiện của văn hóa rừng, con người gắn bó với thiên nhiên. Bà con các dân tộc Tây Nguyên còn có một món cơm rất ngon là cơm nướng (hay còn gọi là cơm lam). Gạo được bỏ vào ống tre, ống nứa, lấy nước suối để nấu. Những ống nứa ấy được đốt trên lửa hoặc vùi trong than, dậm đà hương vị thiên nhiên. Khi cơm chín, người ta chẻ bỏ lớp cháy bên ngoài, lộ ra phần ruột trắng ngần. Khi ăn, xắt ra thành từng miếng chấm với muối vừng, cho ta một hương vị rất riêng. Để bữa ăn phong phú, bà con còn sáng tạo ra nhiều món ăn, gần với thiên nhiên, trong đó có món gỏi lá. Món ăn này được làm từ 10 đến 40 loại lá khác nhau, trong đó có những loại lá chỉ rừng Tây Nguyên mới có. Muốn ngon, người ta rất chú trọng đến nước chấm làm từ hèm rượu, dằm lẫn cùng trứng vịt, để nguyên cả hạt tiêu, ớt xanh, hành… Còn gỏi lá được quấn từ nhiều thứ lá, trong đó có thịt, tôm, da heo, gia vị… tạo ra nhiều hương vị khác nhau, vừa hơi chát lại ngọt, chua đồng thời lại béo ngậy. Trong bữa ăn của bà con, rau bao giờ cũng rất phong phú. Để dễ ăn, bà con chế biến ra món lẩu lá. Món lẩu này dễ ăn lại giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Còn một món lẩu nữa cũng rất nổi tiếng, đó là lẩu cá lăng. Để làm lẩu, người ta chọn những con cá lăng tươi, thịt chắc. Để chế biến, người ta dùng dao rẽ dọc theo xương sống con cá lấy ra miếng thịt rất ngon. Gia vị tẩm ướp gồm nước cốt của nghệ pha với mẻ, mắm tôm, nước mắm. Thời gian ướp chừng 1 giờ rồi cho vào nồi lẩu cùng với các loại rau, trong đó có cải xanh, rau đắng, bạc hà và rau thì là. Bà con sống dọc theo dông Sêrêpôk rất tự hào về món lẩu cá lăng. Họ nấu cá lăng với măng le, cà đắng, lá păk-cum. Đồ chấm là muối tiêu giã với ớt xanh. Riêng món lòng cá trong nồi lẩu thì tuyệt ngon. Tại khu vực rừng Madagui, cá lăng còn được bà con chế biến nhiều món, với món cá lăng nướng muối ớt được coi là độc đáo nhất. Cá được ướp sơ qua với muối ớt rồi nướng chín trên than hồng, ăn cùng rau rừng có một hương vị rất riêng, không lẫn với bất cứ món ăn nào. Khô nai Không chỉ với món lẩu cá lăng mới dùng đến măng le, mà loại măng rừng này xuất hiện trong bữa ăn thường ngày với nhiều cách chế biến khác nhau. Mùa mưa tới, trong những cánh rừng Tây Nguyên vô vàn những đọt măng măng nhú lên. Măng le có thể ăn tươi cũng có thể để khô. Bà con thường nấu măng le với thịt nai khô, hoặc nấu với bất cứ loại thịt gia súc, gia cầm nào thì cũng đều rất ngon. Măng le xào gan gà, vịt lại càng ngon. Măng le từ cây le thuộc họ tre nứa. Cây le có sức sống rất mãnh liệt cho dù có bị đốt cháy thì mùa mưa tới chúng lại tiếp tục sinh sôi. Măng le đặc ruột, có vị ngọt bùi. Măng tươi có thể dùng làm gỏi, sau khi đã luộc chín, thái thành sợi. Sau đó lại luộc lần thứ hai, cho chút muối để khử vị chát. Món gỏi măng le được trộn với tôm tươi hay tép khô, chút thịt heo thái nhỏ. Nó thuộc loại món ăn dân dã nhưng hươn vị rất độc đáo. Bà con nơi đây còn làm món măng hầm thịt vịt, được pha chế bởi hành và lá ngò gai. Gà nướng sa lửa Cùng với thịt nai (cả nai khô, bà con thường gọi là khô nai) thì món gà nướng sa lửa quả là hết sức khác lạ. Đây được coi là món ẩm thực trứ danh của vùng đất Tây Nguyên. Để chế biến món này, phải chọn gà, không phải loại gà nào khi chế biến thành món sa lửa cũng ngon. Bà con thường chon giống gà quạ lông toàn thân tuyền một màu đen, hoặc là gà thả rông chỉ trên dưới 1kg, gà to quá làm không ngon. Gà được làm sạch, chặt dọc theo phần ức rồi bẻ đôi cho dẹp xuống. Sau đó dùng muối ớt chanh giã nhuyễn trộn với nước sả, ướp đều hai mặt, khoảng 30 phút là có thể đem nướng. Khi chín, con gà không vàng đều mà có chỗ sẫm màu, có chỗ nhạt. Đây cũng là món ăn chế biến không cầu kì, quan trọng là tẩm ướp đúng vị và nướng trên than củi. Ẩm thực Tây Nguyên gắn liền với cuộc sống canh tác ven rừng, bên suối của bà con. Nó vừa dung dị lại vừa đặc biệt, rất riêng và ấn tượng. Lẩu cá lăng MIÊN THẢO (Tổng hợp) |