Mặt trận

Đổi thay ở Đồi Muốn

Nguyễn Chung 06/03/2024 09:07

Đồi Muốn là một trong 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã Điền Quang, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cộng với nỗ lực của đồng bào dân tộc Mường nơi đây, Đồi Muốn đã và đang có nhiều đổi thay.

duoi.jpg
Anh Bùi Văn Tuấn bên mô hình nuôi thả cá dốc của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá dốc của anh Bùi Văn Tuấn - một trong những điển hình thoát nghèo của thôn Đồi Muốn khi trời đã xế trưa. Bên ao cá rộng hơn 1.000m2, anh Tuấn đang luôn tay vớt những rong rác, thức ăn thừa lên bờ. Dưới ao, từng đàn cá dốc to như bắp chuối rừng, lưng xanh óng ánh, bơi lượn trong làn nước trong vắt. “Người dân Đồi Muốn chúng tôi thoát nghèo là nhờ vào giống cá dốc này”- anh Tuấn nói.

Chỉ khoảng dăm năm trước, vợ chồng anh Tuấn còn phải vật lộn với công cuộc tìm cái ăn cho cả gia đình 6 khẩu luôn thiếu trước hụt sau. Nhận thấy vườn nhà có địa hình phù hợp với việc nuôi thả cá dốc, anh Tuấn đã mạnh dạn cải tạo diện tích ao nuôi hơn 1.000m2 gần nhà để bắt đầu cho kế hoạch thoát nghèo. Hợp với khí hậu, nguồn nước, đàn cá dốc của anh đã lớn nhanh chóng, không nấm bệnh. Sau 2 năm thả thử nghiệm, ao cá đã cho anh thu hoạch hơn 3 tấn cá. Đến nay, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập gần 130 triệu đồng từ ao cá này.

Anh Tuấn cho biết: Đến kỳ thu hoạch, cá được thương lái trong huyện đến thu mua hết để cung cấp cho các nhà hàng kinh doanh dịch vụ lưu trú tại khu du lịch Pù Luông... “Nhờ hướng đi mới này, gia đình tôi cơ bản đã thoát khỏi nghèo đói và có cuộc sống khấm khá hơn. Trong thời gian tới, tôi đang có dự tính sẽ thuê thêm đất của xã để mở rộng diện tích ao nuôi”- anh Tuấn nói.

Trưởng thôn Đồi Muốn Bùi Văn Hợi cho biết: Cách đây hơn chục năm, cả thôn chỉ sống dựa vào trồng lúa, sắn. Với tập quán canh tác lạc hậu, không hiệu quả, quanh năm cả bản thiếu ăn, đói nghèo đeo bám. Đường giao thông trong thôn chỉ là những con đường đất lầy lội trơn trượt mỗi mùa mưa, 100% số dân trong thôn đều thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhờ các chính sách ưu tiên hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều đề án, chương trình giảm nghèo được đưa về thôn, như hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, miễn phí cho trẻ em nghèo đến trường; hay hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo... Không những vậy, cán bộ còn đến tận thôn cầm tay chỉ việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con cách nuôi trồng giống cây, chăn nuôi...

Giờ đây về Đồi Muốn, ô tô có thể dễ dàng lên tận thôn. Dọc hai bên đường đã thấy thấp thoáng bóng những ngôi nhà xây dựng khang trang, kiên cố, xung quanh là bạt ngàn đồi keo, đây là nguồn thu nhập chính, giúp bà con thoát nghèo. Toàn thôn hiện nay không chỉ có hơn 10ha rừng keo, bà con còn tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ để nuôi cá dốc nhằm cải thiện thu nhập. Tính đến đầu năm 2024, bản Đồi Muốn đã có khoảng hơn 15 hộ nuôi cá dốc, trung bình mỗi gia đình có từ 1 - 2 ao nuôi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Hà Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Điền Quang cho biết: Những năm qua, nhờ đã tiếp cận và áp dụng được kiến thức khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo. Tuy nhiên, ở Đồi Muốn để giảm nghèo một cách bền vững thì cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực hơn.

Tại Đồi Muốn còn có thác Muốn, với vẻ đẹp tự nhiên, sơn thủy hữu tình, vẫn còn rất hoang sơ. Người dân và chính quyền xã rất mong muốn xây dựng thác Muốn thành địa điểm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, việc đi lại chưa thuận lợi, đồng thời chưa kết nối được với một số điểm du lịch khác nên việc thu hút khách còn nhiều hạn chế.

“Để giúp các hộ dân tại Đồi Muốn thoát nghèo bền vững, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung phát triển cây keo, chăn nuôi, tăng cường phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con trong bản, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi cá dốc, chăn nuôi trâu, bò. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con trong bản sớm di dời một số chuồng, trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, đảm bảo môi trường và đặt tiền để cho mô hình du lịch cộng đồng phát triển trong tương lai”- ông Quang cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở Đồi Muốn