Krông Pa là huyện nghèo với hơn 70% là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sự góp sức của các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nên bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của bà con nơi đây đã có thêm nhiều khởi sắc.
Nông thôn mới ở Krông Pa.
Huyện Krông Pa hiện có 8 xã đặc biệt khó khăn với 6.070 hộ nghèo (chiếm 34,1%), trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Tìm hiểu cuộc sống của bà con ở đây chúng tôi được biết, người dân rất cần cù, chịu khó, tuy nhiên do đất đai cằn cỗi cộng với việc bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ cũng muốn thay đổi phương thức sản xuất nhưng lại thiếu vốn. Tại các xã như Chư Ngọc, Đất Bằng, Ia Rmok, Ia Hdreh… nơi đâu cũng thấy những thửa ruộng cằn cỗi. Do khí hậu khắc nghiệt nên ngoài cây mì, điều, bà con không biết trồng cây gì để thoát nghèo. Về chăn nuôi, Krông Pa được mệnh danh là vùng khô hạn, nên chỉ có thể nuôi bò và dê cỏ là phù hợp nhất, thế nhưng để đầu tư thì phải có vốn.
Hiểu được khó khăn đó của bà con, nên thời gian qua rất nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã về với Krông Pa. Một số xã cũng đang tích cực vận động người dân chuyển những diện tích lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn. Lợi ích của trồng mía cánh đồng lớn là có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ giống, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con từ khâu làm đất, chăm sóc cho đến khu thu hoạch.
Điển hình như tại xã Krong, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã được đầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Riêng năm 2018, xã được đầu tư hơn 8 tỷ đồng để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và xây cống, mương dẫn nước vào khu sản xuất. Ngoài ra, nguồn vốn cũng hỗ trợ bà con mua cây, con giống, phân bón để thực hiện cánh đồng lớn đối với cây mía và cây mì, phát triển chăn nuôi với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Cùng với đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Theo bà Phùng Thị Tố Trinh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pa, những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của đơn vị đạt 277 tỷ đồng (tăng hơn 13,3 tỷ đồng so với đầu năm 2018).
Gia đình ông Ksor Drang ở buôn Blang, xã Chư Ngọc trước đây là hộ nghèo. Từ khi được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với NHCSXH huyện để vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất ông đã quyết định mua dê về nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn cộng với quyết tâm thoát nghèo, chỉ sau ít năm sau, cùng với đàn dê 25 con, gia đình ông Ksor Drang còn có gần 10ha mì (sắn) và đàn bò hơn 10 con. Giờ thì không chỉ thoát nghèo mà gia đình ông còn có thu nhập tới cả trăm triệu đồng/năm.
Mới đây, huyện Krông Pa cũng đã cử các tổ công tác tiến hành phúc tra, rà soát hộ nghèo tại 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới là Ia Mlah và Phú Cần để có những đánh giá cụ thể và giúp bà con thoát nghèo. Trên cơ sở đó, 55 cơ quan, đơn vị trực tiếp nhận giúp đỡ các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo thuộc diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để bà con sớm thoát nghèo bền vững.