Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có hơn 400 dự án chậm tiến độ, trong đó những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…
Những dự án chậm tiến độ trên đã và đang phá vỡ quy hoạch, đẩy người dân vào cảnh khốn khó vì phải sống tạm bợ các dự án “treo”. Ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đặt ra việc xử lý theo nguyên tắc: Lớn làm trước, nhỏ làm sau.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
PV: Hơn 400 dự án chậm tiến độ của TP Hà Nội đang gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Quốc hội khóa XIV cũng đã đề cập đến vấn đề này, cả nước chúng ta có hàng nghìn dự án treo và Hà Nội cũng là nơi có nhiều dự án treo lớn, đồng nghĩa tỷ lệ thuận với số vốn trong dự án treo cũng rất lớn. Con số này ở khía cạnh nào đó có thể nói lên sự phức tạp và nhiều hệ luỵ.
Trước hết, đây là những dự án đầu tư phát triển mà không thực hiện được thì đương nhiên sẽ không đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Đồng thời gây ra hệ luỵ đối với người dân có liên quan đến dự án như nhà cửa, đất đai, vườn tược, các loại công trình dân sinh, áp lực đối với cuộc sống ngày càng lớn nhưng họ không được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhà cửa và các công trình phục vụ cho đời sống.
Ví dụ như những vấn đề liên quan đến giao dịch bất động sản, vấn đề liên quan đến cư trú... Có thể nói xã hội chịu sự thiệt thòi rất lớn khi quy hoạch dự án nhưng chỉ để đó, hay còn gọi là dự án “treo”. Về cơ bản Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nhưng đất canh tác bị thu hẹp để nhường chỗ cho dự án. Điều đáng nói là dự án chậm triển khai, có dự án bỏ hoang trong nhiều năm dài, gây lãng phí và bức xúc trong xã hội. Không chỉ hơn 400 dự án chậm tiến độ ở Hà Nội mà các tỉnh và thành phố lớn cũng có nhiều dự án chậm tiến độ, ví dụ như, Dự án 12,28ha ở Hiệp Thành (quận 12, TP HCM) cũng là một trong những dự án treo 20 năm nay, đất bỏ hoang chỉ để cỏ mọc, gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của nhiều hộ dân.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến các dự án treo kéo dài trong nhiều năm qua?
- Có thể nói, bản thân những nhà thiết kế dự án đã không có tầm nhìn và cũng không lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực để đứng ra thực hiện dự án. Trong quá trình từ khi quy hoạch đã không giám sát, kiểm tra, đôn đốc thậm chí có thể điều chỉnh thực hiện, hoặc có thể thu hồi lại dự án. Vì thế, thiếu sự quyết liệt, thiếu sự đồng bộ, cho nên cứ hết khóa này tới khóa khác để cho thời gian trôi đi và không ai giải quyết.
Tóm lại tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật và tâm lý không biết xót xa đối với những tài sản của nhà nước bị bỏ hoang, bị lãng phí, không đồng cảm với người dân đang chịu áp lực, khó khăn rất lớn trong cuộc sống của họ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đằng sau câu chuyện những dự án “treo” này không phải do luật pháp thiếu căn cứ mà do cơ quan chức năng không quyết liệt thu hồi, thậm chí còn có cả vấn đề lợi ích nhóm, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Rõ ràng là thiếu sự quyết liệt, thiếu sự nhất quán, đồng thuận và chắc chắn ở bên trong có những khuất tất cho nên mới có những câu chuyện không giải quyết nổi và gia hạn cũng không gia hạn, mà hết gia hạn cũng không thu hồi.
Người ta đặt một câu hỏi vô cùng lớn ở khâu quản lý, nhà quản lý đã không nhìn nhận đầy đủ và cân đối các lợi ích, không đủ tầm nhìn từ khi quy hoạch đến khi lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án và đến điểm cuối là không sẵn sàng, không dám và không muốn thu hồi dự án hoặc có thể chuyển dự án đó để đầu tư sang một lĩnh vực khác có lợi hơn…
Theo ông cần giải pháp nào để xử lý cấp bách những dự án chậm tiến độ của Hà Nội cũng như những tỉnh, thành khác?
- Trước tiên phải rà soát lại toàn bộ quá trình lập, phê duyệt chủ trương, quyết định dự án đã đảm bảo quy định pháp luật hay chưa. Tôi cho rằng UBND thành phố phải rà soát lại và báo cáo toàn bộ hiện trạng các dự án, đề xuất với HĐND thành phố, bởi vì thẩm quyền cao nhất thuộc HĐND, trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Ở đây không chỉ dừng lại việc đánh giá dự án “treo” không thực hiện được mà phải đánh giá cả việc nó đã gây thất thoát, lãng phí thì phải truy cứu trách nhiệm theo đúng tính chất và cả mức độ để xảy ra lãng phí.
Trong trường hợp có sai phạm thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ như thu hồi dự án (có quy định về thu hồi dự án, có quy định về xử lý vi phạm của người đứng đầu, các cá nhân, tổ chức, cơ quan sai phạm). Cả hệ thống phải vào cuộc, kiểm tra Đảng phải làm, Thanh tra, Chính quyền phải làm, kiểm tra chính quyền phải làm, đặc biệt phải bảo đảm tính công khai.
Nếu chúng ta làm tốt được việc này thì sau này có cơ sở để chúng ta tiếp tục xử lý các dự án khác và sẽ hạn chế mức thấp nhất tình trạng các dự án treo diễn ra thời gian qua.
Trân trọng cảm ơn ông!