Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, kinh tế thế giới năm 2024 có khả năng “hạ cánh mềm” với mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008 (2,7%).
Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) mới đây cho rằng thương mại toàn cầu trong năm 2023 sụt giảm 5% so với năm 2022 và vẫn sẽ ảm đạm trong năm 2024.
UNCTAD cho biết, ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD. So với năm 2022 giảm gần 2.000 tỷ USD. UNCTAD nhận định thương mại toàn cầu sụt giảm một phần là do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển cũng như do giá cả hàng hóa giảm.
Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng ở mức 2,6%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường phát triển không thể hạ lãi suất trước nửa cuối năm 2024. Tại Khu vực sử dụng đồng Euro và Vương quốc Anh, thu nhập thực tế được cho là sẽ tăng 2% vào cuối năm sau.
Ngày 24/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức 2,7% còn vào năm 2025 có thể là 3%. Nhóm chuyên viên của OECD nhận xét, năm 2024 kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát neo cao, cùng đó là chính sách tiền tệ tiếp tục được các ngân hàng trung ương thắt chặt.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2024 nằm ở khu vực châu Á và châu Phi Cận Sahara. Ấn Độ, đất nước đông dân nhất thế giới, có thể đạt mức tăng trưởng 6,3%. Trên phạm vi toàn cầu, IMF dự báo mức tăng trưởng GDP bình quân năm 2024 là 2,9%.
Nhìn chung, các tổ chức tài chính quốc tế đều đưa ra con số dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức từ 2,6% đến 2,9%. Có nghĩa là “cũng không khá hơn là bao” so với năm 2023, khi mức dự báo là từ 2,1% đến 2,7%.
Tuy nhiên, dự báo của Trường kinh doanh Kelley (bang Indiana, Mỹ) lại cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2024 có nhiều điểm sáng. Nhận định đó đến từ những động thái điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và tình hình kinh tế Mỹ khả quan hơn, khi lạm phát được kéo giảm (ở mức 3% trong cả năm 2023), số người thất nghiệp giảm sâu.
FED được dự đoán sẽ bắt đầu giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2024, nhưng trong phát biểu hồi cuối tuần thứ 3 của tháng 12/2023, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát. Như vậy có thể thấy FED vẫn chưa sớm giảm lãi suất. Hiện FED đang duy trì lãi suất cho vay ở mức 5,25% - 5,5%, là mức cao nhất trong 22 năm qua.
"Tuy nhiên, tin tốt nhất chính là việc lạm phát sẽ trở về mức 2,55 - 3%. Điều này sẽ làm giảm áp lực phải nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương và cũng giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình được trở về thời kỳ kinh tế ổn định như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát" - ông Philip Powell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh Trường Kelley nói và cho rằng có thể thế giới vẫn còn phải chịu đựng trong nửa đầu năm 2024, nhưng thời gian còn lại của năm sẽ “chứng kiến những thành công vượt bậc”, ngoại trừ việc lúc đó giá dầu mỏ tăng cao lên mốc 100 USD/thùng.
"Lạm phát chính là hậu quả cuối cùng của Covid-19 mà chúng ta cần phải đối phó. Nó là kết quả của chuỗi cung ứng đứt gãy và giá dầu tăng vọt. Tất cả những yếu tố tiêu cực này gần như đã qua. Thị trường lao động sẽ tiếp tục ổn định, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ vững quanh mốc 4%" - ông Philip Powell nói thêm.
Vậy còn lời khuyên nào với các gia đình khi bước vào năm 2024? Ông Philip Powell nói rằng, chúng ta hãy đón chờ năm 2024 với một tâm lý vững vàng, tự tin hơn; có thể quay trở lại những thói quen chi tiêu cũng như tiết kiệm trước đại dịch, nhưng vẫn nên bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm nhiều hơn. Các doanh nghiệp có thể sẵn sàng đầu tư dự án và đưa ra các quyết định với mức độ rủi ro trong tầm kiểm soát.
Năm 2023 đầy thử thách đối với nền kinh tế thế giới và năm 2024 cũng sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng lạm phát sẽ chậm lại, thị trường việc làm ổn định sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng. Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức 2,6% trong năm 2024, cao hơn dự báo 2,1% của các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò. Vishwanath Tirupattur – thuộc Bộ phận Nghiên cứu định lượng tại Ngân hàng Morgan Stanley dẫn khảo sát của một số nhà phân tích Phố Wall cho rằng dự báo lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp lớn có thể tăng 12% so với năm 2023.