Thông qua mỗi tác phẩm văn học, những bài đạo đức, ý thức trách nhiệm, lối sống được nâng lên những tầm mới để phù hợp từng giai đoạn phát triển tâm hồn của học sinh. Vì thế mà không ai có thể phủ nhận vai trò của môn Văn đã tác động lớn đến việc bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng nhân cách của học trò.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Thanh Niên).
Văn là người, tư tưởng ấy được các thầy cô giáo truyền thụ lại cho thế hệ chúng tôi thông qua mỗi bài giảng.
Cách miêu tả diễn đạt, bình luận hay tả thực một bài văn cũng toát lên tư cách và lối sống của mỗi người.
Văn học giúp ta biết yêu nhiều hơn những đường quê ngõ xóm, những góc lặng chiều tà, nơi mái đình xưa đang trầm mặc hướng những mái cong lên trời cao như muốn hỏi muôn ngàn câu hỏi.
Từ gần đến xa, từ bé đến lớn, từ hôm nay đến tận mai sau, từ thôn quê nghèo đến chốn thị thành hay đi bất cứ nơi đâu, còn lại trong mỗi chúng tôi hôm nay là tiếng tình, tiếng nghĩa, tiếng yêu thương, ước muốn sẻ chia bao bọc và khao khát được sum vầy.
Văn học là câu hát lời thơ, êm đềm sâu lắng như khúc hát ru đưa chúng tôi đi qua bao tháng bao ngày.
Thế hệ chúng tôi đã học môn Văn như thế đấy. Có ai lớn lên và trưởng thành mà lại không phải nói, phải đọc, phải giao tiếp ứng xử và rèn luyện nhân cách?
Học văn để biết làm người. Để biết có cảm xúc, biết yêu thương cái đẹp, biết ghét cái xấu, biết đúng sai, biết cảm thông sẻ chia, biết rơi lệ trước nỗi đau, biết cười trong cuộc sống.
Cho đến nay, giá trị to lớn của nhiều tác phẩm văn học vẫn còn in đậm trong trí óc mọi người.
Câu chuyện bó đũa dạy ta biết đoàn kết, bài thơ “Thương ông” giúp ta ngày càng phải biết yêu thương, “Tấm Cám” dạy ta tránh xa cái ác, bài học của Chí Phèo giúp ta vững vàng kiên định trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải “đói cho sạch, rách cho thơm”, “Truyện Kiều” bồi dưỡng lòng nhân đạo, “Đại Cáo Bình Ngô” phơi bày tội ác giặc ngoại xâm và khơi gợi tinh thần yêu nước, “Nam Quốc Sơn Hà” thật vẻ vang khi trở thành một bản tuyên ngôn khẳng định quyền lãnh thổ...
Học văn tốt chính là chìa khóa mở đường đến thành công.
Văn học giúp ta sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập và cuộc sống. Tìm hiểu đi sâu vào lĩnh vực văn học sẽ hướng con người ta đến lối sống chân thiện mĩ. Bởi đã từ lâu văn học chính là lăng kính phản chiếu cuộc sống một cách chân thực nhất.
Thế hệ 9X hôm nay đang bị bủa vây bởi điện thoại, iPad, internet, ngày càng được chìm đắm bởi game và những ảo mộng hão huyền từ các trang mạng xã hội.
Sự phát triển quá đà của thế giới truyện tranh cũng làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và góp phần không nhỏ trong việc làm tăng tỷ lệ học sinh chán học môn
Ngữ văn. Rồi xã hội sẽ ra sao khi giá trị của môn Ngữ văn đang từng ngày bị coi nhẹ.
Không có thước đo thời gian nào có thể chính xác và sắc nét như văn học. Văn học phát triển chính là hình ảnh của một xã hội tươi đẹp phát triển và trường tồn.
Cho đến nay môn Văn vẫn luôn là “công cụ” giúp chúng ta học tốt các môn học khác.
Việc đánh thức “tính bổn thiện” của mỗi con người ngay từ buổi “nhân chi sơ” đã trở thành nhiệm vụ, trách nhiệm và sứ mệnh của văn học và những người truyền thụ văn học.