Gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng được coi là “giải pháp cấp bách” nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên làm sao để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ này là vấn đề cần được xem xét trên nhiều khía cạnh. Bởi trên thực tế dù tiền có nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận, nhất là DN vừa và nhỏ.
Từ chuyện có tiền nhưng...khó cho vay
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực triển khai gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn thị trường. Trên cơ sở đó, NHNN cũng chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Các ngân hàng thương mại cũng cần kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí.
Khi nghe tin về gói hỗ trợ này, rất nhiều DN đã mừng như “được phao cứu sinh”. Thế nhưng, việc triển khai gói tín dụng này trong thực tế lại đang gặp phải những vướng mắc nghịch lý khi “tiền có” nhưng DN...khó tiếp cận. Chia sẻ của cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ cho thấy vẫn khó tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, số tiền 250 nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi hơn và tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được bởi các thủ tục rắc rối, DN phải làm báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại. Chưa kể DN phải chứng minh được thanh khoản của mình, chính vì thế các đối tượng DN vừa và nhỏ hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Trao đổi với ĐĐK về việc DN khó tiếp cận các khoản hỗ trợ, ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Ngân hàng không hạ điều kiện, tiêu chuẩn cho vay thì DN muốn vay cũng không vay được, điều kiện không giảm thì khó có thể giải ngân. Cho nên đây là khâu chúng ta cần tháo gỡ vì doanh nghiệp đang nợ quá hạn cần giãn, giảm điều kiện đi thì lại không được giảm”. Từ đó, ông Sinh nói: “Ngay gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mà đến lúc này nhiều người còn chưa nhận được thì rõ ràng khâu thủ tục của ta còn quá rườm rà, cần tiếp tục tháo gỡ. Vì vậy DN khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn”.
Giải thích về việc tại sao không hạ chuẩn cho vay để hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng ưu đãi nhiều hơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Khi giải quyết khó khăn cho DN và người dân nhưng vẫn bảo đảm không phá vỡ các tiêu chí an toàn hoạt động. Nếu hạ chuẩn cho vay, phá vỡ các tiêu chí, hệ thống tổ chức tín dụng sẽ đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như giai đoạn trước đây. Và khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ tác động và gây hệ lụy rất lớn tới nền kinh tế và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.
Gỡ bằng cách nào?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng nhất, các tổ chức tín dụng phải rà soát, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hoãn nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và không chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời hạn nhất định đối với những khoản nợ hiện tại bị tác động bởi dịch Covid-19. Có như vậy mới có thể tiếp tục cho vay mới được. Bởi nếu chỉ với xác nhận của chính quyền địa phương như quy định hiện tại thì chưa đủ căn cứ để chứng minh thiệt hại của khách hàng có phải do tác động của dịch Covid-19 hay không. Do đó hầu hết các ngân hàng đều e ngại, không dám cho vay.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, bất cập nằm ở việc có nguồn vốn để giải ngân song ngân hàng không giảm các điều kiện cho vay nên doanh nghiệp không tiếp cận được. Tuy nhiên, ngân hàng cũng có lý do của họ, vì nếu giảm nữa khả năng sẽ xảy ra rủi ro, dẫn đến nợ khó đòi, thành nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng vì vậy cần phải có thêm những chính sách khác. “Chúng ta có 2 quỹ quan trọng là Quỹ Hỗ trợ DN vừa và nhỏ thì nguồn lực hiện nay rất bé, vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng bây giờ cấp chưa được 1.000 tỷ đồng, quá bé so với yêu cầu hơn 700 nghìn DN vừa và nhỏ. Thứ hai là Quỹ Bảo lãnh tín dụng có ở cả Trung ương và địa phương nhưng hầu như nguồn lực bé. Nếu 2 quỹ này chúng ta đẩy mạnh nguồn lực lên, có cơ chế thông thoáng hơn để cùng cơ chế bảo lãnh đối với hệ thống ngân hàng thì rõ ràng chính sách giải ngân sẽ tốt hơn” - ông Sinh đề xuất.
Trong khi đó, ở góc độ là chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nói với ĐĐK, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Lúc đầu gói hỗ trợ là 250 nghìn tỷ đồng nhưng khi NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại tham gia thì hiện số tiền đã lên đến hơn 700 nghìn tỷ đồng do nhiều ngân hàng đăng ký vào gói này. Tuy nhiên theo ông Hiếu, cần phân ra trong hơn 700 nghìn tỷ đồng thì có bao nhiêu % cho khách hàng mới vay? Bao nhiêu% cho khách hàng “hiện hữu” và bao nhiêu % cho DN vừa và nhỏ vay? “Mục đích chính của gói này là giúp các DN khó khăn bị tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên do hiện nay chưa phân chia rõ nên các ngân hàng dùng gói này để giúp cho các khách hàng “hiện hữu” của họ vay để giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, hoãn, điều chỉnh thời hạn trả nợ. Các DN khó khăn, DN vừa và nhỏ không khó tiếp cận được cho nên họ mới nói “có tiếng nhưng không có miếng” - ông Hiếu phân tích.
Trên cơ sở đó, ông Hiếu cho rằng, để gói hỗ trợ này sử dụng hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng, NHNN cần ban hành quy định chặt chẽ, cụ thể gói này dùng cho ai? cho DN vừa và nhỏ hay cho tất cả các DN? Có khoản vay cho khách hàng mới không? hay chỉ đối với khách hàng hiện hữu? Lúc đó gói hỗ trợ này mới đem lại ý nghĩa đích thực vì mục đích ban đầu đề ra là hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng, đặc biệt là DN vừa vừa nhỏ chứ không phải hỗ trợ tràn lan cho các DN.
Chuyển đổi nhanh
Tuy nhiên, một vấn đề rất cần lưu ý cần được bàn đến nằm ở việc kích thích cho sản xuất phát triển. Có như vậy gói hỗ trợ mới đem lại hiệu quả đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế chứ không đơn thuần ở việc...tung tiền ra để hỗ trợ. Ông Đỗ Văn Sinh nhìn nhận, trong bối cảnh DN gặp khó khăn như hiện nay thì sản xuất là vấn đề rất quan trọng. Để DN phát triển thì phải có thị trường, tuy nhiên hiện nay thị trường của nước ta có mỗi nông, lâm nghiệp thủy sản là tương đối chủ động từ sản xuất cho đến thị trường đầu ra.
Còn các lĩnh vực khác như chế tạo, chế biến hoặc các ngành phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào thì nếu thế giới chưa phục hồi, chúng ta cũng khó trong nguyên liệu sản xuất, từ đó cũng “bí” trong đầu ra. “Đầu vào - đầu ra không có rõ ràng rất khó khăn trong sản xuất vì DN, người dân không thể vay vốn xong lại để tiền đó trong khi vẫn phải trả lãi. Cho nên vấn đề cần quan tâm vào lúc này là cần tháo gỡ chuỗi khó khăn từ nguồn vốn cho đến sản xuất. Và nếu không có sự chuyển đổi nhanh thì sẽ khó cho DN” - ông Sinh gợi ý.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc tung gói hỗ trợ này ra chắc chắc sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Vì muốn tăng trưởng kinh tế phải tăng trưởng tín dụng, cho vay để có tiền sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cần tập trung hỗ trợ cho DN “gặp nạn” chứ không phải hỗ trợ tràn lan. Do đó cần đưa ra bức tranh tổng thể về số DN “khỏe” và DN “yếu” để từ đó hỗ trợ cho trúng, chứ không thể lẫn lộn. Hỗ trợ cho DN bao giờ cũng là là hỗ trợ cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng. Nhưng phải đúng mục đích hỗ trợ là các DN gặp khó khăn.