Chỉ cần 20 triệu đồng đã có thể làm được hệ thống tủ sách hơn cho 300 học sinh của 10 lớp học ở nông thôn. Và nếu có một cuộc thống kê, chắc số tiền được cả nước chi ra cho việc mua sách này không được vài nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh này, có một số cựu học trò đã và đang dùng nguồn lực và uy tín của chính mình, phối hợp với chính quyền địa phương góp một phần không nhỏ xóa “nạn” đói sách và học cụ khác ở hàng chục trường làng.
Ông Trình Văn Nhã (bên trái) cùng đồng sự đưa robot về trường. Ảnh: Quang Thạch.
Một trong số đó là ông Trình Văn Nhã- Phó chủ tịch huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ông Nhã có một người bạn cũ, ông Nguyễn Anh Tuấn- thành viên sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn miền Nam, đang nỗ lực đưa sách về các miền quê.
Tranh thủ sự giúp đỡ của ông Tuấn, ông Nhã cùng UBND huyện Thanh Chương chỉ đạo Phòng giáo dục và đạo tạo huyện lên kế hoạch xây dựng và phát triển các tủ sách thân thiện trong các lớp học trên địa bàn, kêu gọi hội cha mẹ học sinh quyên góp đóng tặng các lớp học các tủ đựng sách, kêu gọi các cán bộ, giáo viên cùng phụ huynh góp sách.
Kết quả, đến nay, đã có 544 tủ sách với hơn 20.000 bản sách được hình thành, hỗ trợ hơn 16.000 học sinh tại các lớp học trong toàn huyện Thanh Chương nghe và đọc sách.
Theo ông Trình Văn Nhã, họp lớp, hội khóa, kỷ niệm ngày thành lập trường là hoạt động cần thiết và ai cũng đã rõ. Tuy nhiên cách thức tổ chức gắn với chi phí liên quan lại là vấn đề đáng phải bàn. Về với lớp, với khóa, với trường là về với nơi đã góp phần quan trọng giáo dục chúng ta nên người, chứ không phải về để chúng ta biến cuộc hội ngộ này thành những cuộc tỷ thí bia rượu. Tặng những tủ sách lớp học, tặng những con robot để thúc đẩy học đi đôi với hành, lập quỹ học bổng, là những giải pháp thiết thực và làm ngay được.
“Thực ra khó khăn lớn nhất trong việc này vẫn là sức ì của tư tưởng, vì trên địa bàn huyện chúng tôi chưa có tiền lệ khi hội lớp, hội khóa mà học sinh cũ tri ân trường cũ bằng tủ sách và robot”- ông Nhã tâm sự.
Ban đầu đưa ra ý tưởng này, nhiều bạn cùng trang lứa với ông cho rằng việc này có vẻ “là lạ”, “khác người”. Tuy nhiên, nhờ một số bạn học cùng biết và tham gia chương trình Sách hóa nông thôn trước đó ủng hộ, tuyên truyền cộng với sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô giáo cũ, ý tưởng sách hóa nông thôn ở đây cứ thể được nhen nhóm, phát triển.
“Ở một số nước phát triển, việc đánh giá, xếp loại các trường học có tiêu chí số học sinh cũ (%) quay về tri ân trường cũ. Chúng ta cũng mong muốn các thế hệ cựu học sinh trở về, tri ân trường cũ bằng các việc làm cụ thể, thiết thực, nhất là tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục các trường phát triển. Chúng ta có thể “trở về” hữu ích bằng nhiều cách: Nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm việc cho thế hệ sau; tặng tủ sách lớp học cũng như các phương tiện hỗ trợ hoạt động dạy học, hỗ trợ học bổng các em học sinh nghèo vượt khó học tốt,… Nếu hàng chục triệu học sinh cũ đều quay về tri ân mái trường đã cho mình tương lai bằng các hành động cụ thể, thiết thực vì sự phát triển của giáo dục thì đây sẽ là nguồn lực vô cùng lớn cho giáo dục trên toàn quốc và sự phát triển bền vững của đất nước. Và chính quyền địa phương nên có những khoản cùng đầu tư cho đọc sách đáng kể, có tính chất đối ứng để khuyến khích, thu hút sự đóng góp của cựu học sinh”- ông Trình Văn Nhã trải lòng.