Tối 28/5, tại thành phố Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 do tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên.
Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn ra trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta.
Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021, trong đó rau quả đóng góp gần 3,6 tỷ USD.
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn trái.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Sơn La đã có 83 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả trên có được là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...
Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 28/5/2022 đến 31/05/2022 với quy mô trên 400 gian hàng trực tiếp và 65 gian hàng trực tuyến của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX tới từ 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tỉnh Sơn La có hơn 220 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố tham gia trưng bày tại Festival; trong đó, có hơn 70 sản phẩm OCOP gồm nông sản tươi sống và chế biến; các loại đồ uống; các sản phẩm có thành phẩm từ cây dược liệu, làm từ bông, sợi, gỗ, kim loại, dệt may…
“Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, khảo sát, dự lễ khởi công một số công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk tại huyện Mộc Châu. Dự án được đầu tư 3.000 tỷ đồng, quy mô dự kiến 4.000 con, 1.000 tấn sản phẩm/ngày, theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 2385/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh Sơn La.
Dự án được triển khai theo mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa, nhà máy chế biến sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Thủ tướng khảo sát thực tế, nghe báo cáo việc triển khai quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu, trong đó có khu dịch vụ cửa ngõ của trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu.
Thủ tướng cũng tới thăm điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tìm hiểu về tình hình hoạt động, những khó khăn, thuận lợi về con người, văn hóa, thiên nhiên... để phát triển du lịch, việc thu hút du khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thu nhập người lao động, đời sống người dân...
Ngày mai, 29/5, người đứng đầu Chính phủ sẽ đối thoại trực tiếp với nông dân toàn quốc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân lần thứ 4 do Trung ương Hội Nông dân tổ chức.