Gần 3 triệu học sinh, sinh viên khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm

Lan Hương 21/09/2023 17:14

Theo thống kê trong 2 năm 2021 và 2022, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng gần 3 triệu học sinh sinh viên sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với khoảng 6,1 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tổng chi phí khám chữa BHYT của nhóm học sinh sinh viên (HSSV) bình quân/năm là hơn 2.500 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm học 2022-2023, cả nước đạt tỷ lệ hơn 97% tổng số HSSV tham gia BHYT. Kết quả này đồng nghĩa với việc có trên 18,8 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong đó, nếu không may ốm đau, tai nạn… các em sẽ được Quỹ BHYT thanh toán với số tiền khám chữa bệnh không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua các đợt điều trị, dài ngày như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch… đã được Quỹ BHYT chi trả từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Nhờ đó, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như các em sẽ có thêm động lực, yên tâm điều trị bệnh để sớm được quay trở lại học tập.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2022, cả nước có khoảng 3,5 triệu học sinh sinh viên khám chữa bệnh BHYT, với gần 7,4 triệu lượt khám chữa bệnh, số tiền được Quỹ BHYT chi trả là 3.142 tỷ đồng.

Riêng trong 8 tháng năm 2023, số học sinh sinh viên khám chữa bệnh BHYT khoảng 2,7 triệu, với số lượt khám là 5,2 triệu, số tiền được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả là 2.174 tỷ đồng. Trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, nhiều trường hợp học sinh sinh viên đi khám chữa bệnh đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị lớn, cụ thể như sau:

Chi phí từ 100 - 200 triệu đồng, có 1.435 học sinh sinh viên/15.620 lượt khám chữa bệnh, chi phí Quỹ BHYT chi trả là 194,4 tỷ đồng. Chi phí từ 200 - 500 triệu đồng, có 568 học sinh sinh viên/6.489 lượt khám, chi phí quỹ chi trả 165,5 tỷ đồng. Chi phí từ trên 500 triệu đồng, có 66 học sinh sinh viên/817 lượt khám, quỹ chi trả 43 tỷ đồng.

Một số trường hợp học sinh sinh viên được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn (trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023) như sau:

Người bệnh được Quỹ BHYT chi trả cao nhất là 1,07 tỷ đồng (trong năm 2022): mã thẻ HS4797937XXXXXX, sinh năm 2006, địa chỉ 18A Đô Đốc Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. HCM; chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh của hốc mắt, Viêm cơ tim cấp, Di chứng tổn thương nội sọ”.

Người bệnh được quỹ chi trả cao thứ hai là 1,04 tỷ đồng (trong năm 2022): mã thẻ HS4828222XXXXXX, sinh năm 2008, địa chỉ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền, Sốt xuất huyết nặng”.

Một trường hợp khác cũng được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 1,04 tỷ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,66 tỷ đồng, 8 tháng năm 2023 được chi trả 0,38 tỷ đồng): mã thẻ HS4013520XXXXXX, sinh năm 2014, địa chỉ 12 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP. Hà Nội; chẩn đoán bệnh chính là "Gan xơ hóa, Viêm đường mật, Teo đường mật…”.

Người bệnh được quỹ chi trả 0,92 tỷ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,69 tỷ đồng, 8 tháng năm 2023 được chi trả 0,23 tỷ đồng): mã thẻ HS4010123XXXXXX, sinh năm 2007, địa chỉ phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội; chẩn đoán bệnh chính là "Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu không đặc hiệu, Viêm gan virus cấp khác, Suy tủy xương vô căn…”.

Với quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh-sinh viên hiện được áp dụng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Do đó, số tiền phải đóng của các em sẽ là: 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/năm. Trong đó, số tiền học sinh-sinh viên thực đóng là 680.400 đồng mỗi năm do nhóm đối tượng này được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

Có thể thấy, trong gần 15 năm trở lại đây, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên liên tục tăng, ghi nhận kết quả khả quan. Con số này đã tăng từ 70% vào năm học 2010-2011 lên 97% vào năm học 2022-2023. Mục tiêu đặt ra trong năm học 2023-2024 là bao phủ bảo hiểm y tế với 100%, nhưng để đạt được kết quả này, cần nhiều sự nỗ lực, chung tay vào cuộc mạnh mẽ của của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều cơ quan liên quan và toàn xã hội.

Kết quả nhằm bảo đảm tất cả học sinh-sinh viên được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của ngành giáo dục-đào tạo và ngành bảo hiểm xã hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 3 triệu học sinh, sinh viên khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO