Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN), Bộ LĐTBXH cho biết, hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp (DN) tham gia đào tạo cùng cơ sở GDNN. Lời giải cho bài toán gắn kết giữa DN và cơ sở GDNN chính là xây dựng mô hình Hội đồng kỹ năng ngành – một mô hình đã thành công ở nhiều quốc gia.
Để gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần xây dựng mô hình Hội đồng kỹ năng ngành.
Cần thiết phải có Hội đồng kỹ năng ngành
Báo cáo của TCGDNN cho biết, những năm gần đây quy mô tuyển sinh của GDNN tăng lên, mỗi năm có khoảng 2,2triệu người lao động tham gia học nghề. Trong đó 85% số người học ra được giải quyết việc làm, thu nhập tốt.
Chia sẻ về vai trò của GDNN trong hệ thống đào tạo, ông Trương Anh Dũng cho rằng GDNN chiếm tới 70-80 thậm chí 90% trong thời gian tới khi lao động trực tiếp để làm việc cho nền kinh tế sẽ qua đào tạo hệ thống GDNN. Thời gian vừa rồi, mặc dù đã triển khai rất nhiều giải pháp nhưng để tăng quy mô GDNN lên thì cần nhờ công tác truyền thông, công tác tư vấn hướng nghiệp cho đến việc cải thiện chất lượng hệ thống đào tạo để hút người học vào.
Đặc biệt cần nhấn mạnh việc phải nâng cao chất lượng đào tạo từ phía các cơ sở GDNN, tránh tình trạng đào tạo ra phía thị trường đánh giá cơ sở đào tạo vẫn chưa tương thích. Trên thực tế hiện nay vẫn có DN có ý kiến về chất lượng của người lao động, kỹ năng tay nghề của người lao động dưới sự tác động thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật Việt Nam thì chúng ta chưa có sự chuẩn bị kịp thời để thích ứng.
Từ phía các cơ quan quản lý, cụ thể là TCGDNN đã và đang chuẩn bị nhiều giải pháp gắn kết giữa DN và cơ sở GDNN làm bước đột phá trong lĩnh vực nâng cao chất lượng GDNN. Trong đó, đối với mục tiêu thu hút DN tham gia, bên cạnh yếu tố truyền thông, cơ chế chính sách chúng ta đang triển khai, cần có thiết chế, một tổ chức để họ tham gia vào được. Vậy tham gia thế nào?
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, TCGDNN đang đề xuất xây dựng một mô hình hội đồng kỹ năng ngành. Hội đồng Kỹ năng ngành đóng vai trò hết sức quan trọng để phát triển nguồn nhân lực quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể Hội đồng Kỹ năng ngành sẽ: tham vấn với doanh nghiệp để dự báo về kỹ năng, bao gồm thông tin và các xu hướng tuyển dụng và việc làm, nhận diện các nhu cầu về kỹ năng, sự thiếu hụt kĩ năng; khuyến nghị chính sách giáo dục và đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho Chính phủ; góp phần đảm bảo việc đào tạo đáp ứng được nhu cầu của DN; cải thiện năng suất và cung cấp cho người học cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động; xây dựng và xác thực các tiêu chuẩn nghề quốc gia theo năng lực thực hiện cho Việt Nam…
Hiện, TCGDNN đã triển khai thử nghiệm trong lĩnh vực vận tải logistics và được phía Hiệp hội Logistics, một số DN trong lĩnh vực này ủng hộ.
Chọn những người đại diện xứng đáng
Trả lời câu hỏi của PV báo Đại Đoàn Kết về mô hình Hội đồng kỹ năng ngành có phổ biến trên thế giới không, ông Paul Comyn- chuyên gia cao cấp về kỹ năng nghề của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, khoảng 60 quốc gia trên thế giới hiện nay đang xây dựng và thiết lập dưới các hình thức khác nhau, có thể là tư vấn ngành, hội đồng ngành hoặc hội đồng cấp quốc gia.
Còn theo ông Trương Anh Dũng, “các nước đã làm trước Việt Nam rất nhiều. Là quốc gia kế thừa, chúng ta chọn cái gì để làm? Chúng tôi cho rằng để làm mô hình này, cách thức và mục tiêu để các DN tích cực tham gia vào là chọn các ngành kinh tế mũi nhọn thu hút đông lực lượng lao động. Khi chúng ta thu hút được nhiều lao động thì DN có cơ hội để lựa chọn. Đồng thời qua đó quảng bá mục tiêu của mô hình này là xác định kỹ năng tương lai. Càng có nhiều DN tham gia chúng ta càng sàng lọc được kỹ năng tốt”.
Đây là lý do mô hình Hội đồng kỹ năng ngành chọn ngành du lịch- ngành kinh tế mũi nhọn hết sức quan trọng để triển khai đầu tiêu. Sau đó có thể là ngành nông nghiệp công nghệ cao hoặc ngành công nghiệp thông tin… để tiếp tục xây dựng.
Dự kiến, Hội đồng kỹ năng ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam sẽ bao gồm 11 thành viên, trong đó có 5 nhà tuyển dụng, 2 cơ quan chính phủ, 3 tổ chức đại diện ngành và 1 công đoàn (ngành du lịch). Câu hỏi đặt ra, trong bối cảnh đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, lại sinh ra một bộ máy tổ chức mới, lại thêm mô hình mới thì có ảnh hưởng gì không? Nguồn lực để đảm bảo tổ chức bộ máy này như thế nào?
Hiện Bộ LĐTBXH đang hợp tác với Chính phủ Australia thông qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã bước đầu thỏa thuận để triển khai mô hình này tại Việt Nam. Trong thời gian tới sẽ trình lãnh đạo Bộ LĐTBXH để phê duyệt triển khai. Dự kiến đầu năm 2020 sẽ bắt đầu triển khai và hình thành được hội đồng kỹ năng ngành sớm đi vào hoạt động.