Một nghiên cứu do Đại học Malaya (Malaysia) thực hiện cho thấy phụ nữ dễ bị các triệu chứng hậu Covid-19 hơn nam giới. Bên cạnh đó, họ cũng chính là người “gánh trên vai đại dịch Covid-19”- khi phải lo toan quá nhiều việc khác nhau.
Tờ The Sun Daily dẫn nghiên cứu của Đại học Malaya (Malaysia) cho thấy các triệu chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài 3 tháng và phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới. Những bệnh nhân bị triệu chứng hậu Covid-19 đã có các triệu chứng khác nhau như mệt mỏi, hụt hơi, ho, lo âu, suy giảm nhận thức, đau cơ và các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau những hoạt động thể chất.
Những triệu chứng này có thể là hậu quả trực tiếp của việc nhiễm virus và có thể giải thích theo một số giả thuyết như phản ứng miễn dịch bất thường, sự hoạt động quá mức của hệ miễn dịch hoặc tự miễn dịch. Bên cạnh đó, còn có những tác động gián tiếp từ việc giảm giao tiếp xã hội, cô đơn, phục hồi thể chất chưa toàn diện, thất nghiệp…
Trong số 732 người tham gia nghiên cứu thì 20% có các triệu chứng hậu Covid-19, phổ biến nhất là mệt mỏi, suy giảm nhận thức, trầm cảm, lo âu, mất ngủ, đau cơ hoặc khớp. Kết quả cho thấy phụ nữ gặp các triệu chứng hậu Covid-19 cao hơn 58% so với nam giới. Giáo sư Moy Foong Ming (Đại học Malaysia) cho biết thêm những bệnh nhân ở mức trung bình và nặng có tỷ lệ mắc triệu chứng hậu Covid-19 cao hơn 3-3,6 lần so với những người không có triệu chứng. Trong số những người tham gia nghiên cứu có 10% không có triệu chứng, 17,5% có triệu chứng nhẹ, 26,7% có triệu chứng trung bình và còn lại là những người có triệu chứng nặng.
Trong khi đó, theo tờ Hundustan Times, dù trong giai đoạn đầu nhiễm virus SARS-CoV-2, cả đàn ông và phụ nữ đều có các triệu chứng tương tự nhau, nhưng đến thời kỳ hậu Covid-19, nữ giới thường phải đối mặt với các di chứng nghiêm trọng và cần nhiều thời gian để phục hồi hơn nam giới.
Tiến sĩ Charu Dutt Arora (bác sĩ tư vấn và Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Châu Á) ở thành phố Faridabad (Ấn Độ) cho biết, một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ trên 45 tuổi dễ phát triển các triệu chứng hậu Covid-19 hơn so với nam giới. Hơn nữa, các triệu chứng ở phụ nữ cũng rất khác biệt, như rối loạn giấc ngủ, tức ngực, lo lắng, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp thấp và rụng tóc. Trong khi đó, nam giới thường chỉ bị khó thở sau khi khỏi bệnh.
Bà Silvia Munoz, 65 tuổi, đã rơi vào cảnh thất nghiệp khi dịch Covid-19 tấn công đất nước Peru. Đây là câu chuyện buồn có thể bắt gặp bất cứ đâu ở đất nước này, với hơn 1 triệu phụ nữ rơi vào tình cảnh không có việc làm cho dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại sau đại dịch. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nữ giới. Ước tính 24 triệu phụ nữ tại Mỹ Latinh đã bị mất việc làm trong đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ trong khu vực là 12,4%, cao hơn mức 8,3% ở nam giới.
Người đứng đầu ILO tại Peru, Italo Cardnoa cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những lĩnh vực có nhiều lao động nữ như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ và khu vực phi chính thức. Kể cả khi có việc làm thì thu nhập của họ cũng bị giảm 30% so với trước đại dịch.
Còn Tiến sĩ Honey Savla- Chuyên gia tư vấn Nội khoa tại Bệnh viện Wockhardt (Mumbai), cho rằng hội chứng hậu Covid-19 tới nay vẫn được coi là khá mơ hồ và có xu hướng “bị thổi phồng”. Phụ nữ mỏi mệt sau khi khỏi Covid-19 là do nhiều nguyên nhân, không hẳn đã là “bệnh hậu Covid” như người ta kết luận một cách đơn giản.
Thực tế thì trong thời gian dịch Covid-19 càn quét, phụ nữ là đối tượng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất thu nhập và mất đi cơ hội giáo dục, sự gia tăng bạo lực gia đình, vấn nạn tảo hôn và buôn người, đồng thời phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc trẻ con và thân nhân mắc bệnh- theo Báo cáo toàn diện do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC).
“Mỗi khi khủng hoảng xảy ra, phụ nữ luôn phải trả giá cao nhất”- tờ The Guardian dẫn lời ông Francesco Rocca, Tổng giám đốc IFRC, gọi đây là tình trạng cấp bách và cần sự quan tâm của cả thế giới. Trong khi đó, bà Teresa Goncalves, đồng tác giả Báo cáo, kêu gọi các chính phủ cần phải lưu ý tác động kinh tế - xã hội không đồng đều của dịch Covid-19 đối với nữ giới khi tính toán những kế hoạch khôi phục hậu Covid-19 nếu muốn đạt hiệu quả tốt hơn.
Cuộc khảo sát dựa trên số liệu của Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc. Trong số 38 nước tham gia báo cáo, 31 nước (chiếm 82%) ghi nhận tình trạng trên đang xảy ra cho nữ giới, không kể nước giàu hoặc nghèo.
Chẳng hạn, tại Tây Ban Nha, trong số những người tiếp nhận sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, 18% số phụ nữ mất việc so với 14% của nam giới. Phái yếu đồng thời buộc phải đảm nhận những công việc không tên tại gia đình, trong khi lẽ ra đàn ông phải chia sẻ gánh nặng đó. Trong lúc thế giới áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng dịch, tình trạng bạo lực gia đình cũng gia tăng. Colombia ghi nhận khoảng 73.000 nạn nhân bạo lực gia đình trong 1 năm, tăng hơn 40% so với năm trước đại dịch.