Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa cho biết, số liệu của các tổ chức tín dụng báo cáo về NHNN thì nợ xấu tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%, đây là mức dưới 3% theo mục tiêu NHNN đặt ra. Do đó, phía NHNN tiếp tục đặt ra trọng tâm ghìm nợ xấu với lưu ý, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% thì phải báo cáo phương án xử lý nợ xấu trong năm 2016.
* Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu hiện ở ngưỡng an toàn
Ảnh: TL.
Siết lại câu chuyện vay nhập nhèm
Trao đổi với PV, một giám đốc chi nhánh ngân hàng tại quận Cầu Giấy xin giấu tên cho biết, cho vay nhập nhèm, vay để đảo nợ, vay để xử lý nợ xấu từng là câu chuyện phổ biến trong quá khứ, nay đang được khắc phục dần. Và câu chuyện đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng cũng cho thấy ngân hàng đang chặt chẽ hơn trong hoạt động cho vay.
Tại một cuộc hội thảo về việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước mới đây tại Hà Nội, một khách hàng có tên là Hà thẳng thắn trình bày nguyện vọng: vì thiếu vốn nên chị đến tham dự hội thảo mong được gặp ngân hàng. Chị đang làm khu sinh thái, và cần tiếp cận vốn ngân hàng 100 tỷ để đưa dự án đi vào hoạt động. Dự án đất do thành phố cấp 50 năm, và một phần đất mua thêm sổ đỏ đứng tên chị.
Bản thân Tổng Cục Du lịch đánh giá đây là dự án an sinh xã hội. Những năm 2011 - 2012, ngân hàng đã từng tiếp cận vốn ngân hàng trong biên độ vay lãi suất lên tới 24%. Và để giữ hình ảnh đẹp thì doanh nghiệp phải vay đáo vốn, nên ngắc ngoải. Nay chị tiếp tục tìm đến ngân hàng nhưng gặp khó khăn, do phần đất 50 năm được trả tiền theo năm nên không thể vay thế chấp được vốn ngân hàng. Phía chị mong muốn lấy phần đất đã có sổ đỏ để vay dưới dạng thế chấp tài sản vay nhưng cũng bị từ chối.
Trong khi đó, trả lời nguyện vọng của chị Hà, Đại diện phía ngân hàng Vietcombank, phụ trách mảng cho vay doanh nghiệp làm ở Hội sở chính cho rằng: Doanh nghiệp cần giữ uy tín thì mới vay được vốn ngân hàng. Với trường hợp khách hàng như chị Hà , ngân hàng sợ nhất là doanh nghiệp nằm trong diện nợ nhóm 3. Đây cũng chính là điểm khó khăn nhất đối với ngân hàng.
Còn riêng phần đất thuế 50 năm là tài sản mà công ty đưa ra là tình huống khó. Khi thuê đất thì phần đất trả tiền thuế theo năm không đáp ứng được yêu cầu. Chưa kể lĩnh vực của công ty chị là xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng, ở Việt Nam mảng này đã được nhắc đến nhưng chưa được triển khai nhiều. Do vậy phía ngân hàng cần phải cẩn trọng đánh giá lại tính khả thi của dự án. Như vậy, câu chuyện cẩn trọng với nợ xấu làm sao để hạn chế nợ xấu phát sinh đang được ngân hàng ưu tiên.
Không thể chủ quan với nợ xấu.
Kiên định mục tiêu nợ xấu dưới 3%
Báo cáo mới từ một số ngân hàng cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở trong ngưỡng khá an toàn. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) vừa cho biết, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm được duy trì ở mức 1,87%, thấp hơn mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hay tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu là 2%.
Ông Nguyễn Tiến Đông -Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước cũng cho biết thêm, theo yêu cầu các TCTD chủ động mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, phát triển bền vững trong hoạt động, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để khai thác tối đa nguồn lực hiện có.
Nhưng các TCTD đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng không trái với quy định pháp luật. Các TCTD xây dựng quy trình tín dụng riêng cho từng nhóm khách hàng, xây dựng công cụ kiểm soát rủi ro, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
Trong bản kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng ký với nhiều chỉ tiêu, mục đích và phần việc phân công cụ thể.
Bản kế hoạch nhấn mạnh, trong giai đoạn tới đây ngành ngân hàng phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nợ xấu của tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, tổ chức triển khai các giải pháp mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường với phương án được phê duyệt, đồng thời từng bước hình thành thị trường mua bán nợ.
Không chủ quan
Tuy nhiên cũng có điều đáng bàn, dù một số ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu đang ở con số đẹp chỉ trên dưới 1%, song nếu nhìn vào con số tuyệt đối, nợ xấu (nhất là nợ xấu có khả năng mất vốn) của nhiều ngân hàng lại đang tăng lên. Theo nhìn nhận, không thể chủ quan với nợ xấu.
Báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm tại BIDV tính đến thời điểm ngày 30-6-2015 cho biết, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 47% so với đầu năm lên 6.962 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 80% lên mức 5.881 tỷ đồng. Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), nợ có khả năng mất vốn tăng 88% từ 2.084 lên 3.923 tỷ đồng.
Trả lời Đại Đoàn Kết về thực tế trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng vẫn tăng cao trong năm 2016. Các ngân hàng thương mại bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng hanh lý tài sản đảm bảo nhưng phía cơ quan quản lý cần có bước đi tiếp theo. Nợ xấu cần được phá chứ không chỉ đơn thuần là chỉ khoanh lại.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết nợ xấu tồn đọng và tăng vốn một cách vững chắc.