Ngày 23/8, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu Hiệp định thương mại tự do. 300 đại biểu tham dự.
Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Cụ thể, từ năm 2001-2018, hồ tiêu ở nước ta đã tăng từ 35,3 nghìn ha lên đến 149,8 nghìn ha (tăng hơn 400%, chiếm 40% sản lượng và gần 60% về thị trường xuất khẩu hồ tiêu thế giới). Đồng thời có mặt ở thị trường 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2001 của Việt Nam đạt 90 triệu USD thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 758,8 triệu USD, tăng hơn 700%.
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu nước ta đạt kỷ lục vào năm 2016 với 1,422 tỷ USD. Nhưng từ 2017-2019 giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung tăng từ 8-10% trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cụ thể, có những thời điểm giá hồ tiêu lên đến 250.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Tình trạng này đã khiến cho những hộ trồng tiêu trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư hồ tiêu.
Theo Bộ NNPTNT, mặc dù ở vị trí số 1 nhưng việc sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh ngay cả ở những vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong thời điểm giá tốt. Dự báo, năm 2019 sẽ là năm rất khó khăn với sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có hồ tiêu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đứng trước thực trạng cây hồ tiêu hiện nay, chúng ta cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000 ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp cần phải kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác. Bên cạnh đó các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NNPTNT nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng hồ tiêu; các ngân hàng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân, để người trồng hồ tiêu không phải đối mặt với nguy cơ trắng tay khi nợ ngân hàng đến hạn mà chưa có trả.