Sau 5 năm học thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK), tuy nhiên giá SGK vẫn cao, gây khó khăn cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Băn khoăn lựa chọn sách giáo khoa
Tại Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nêu một số nội dung về việc biên soạn, phát hành SGK sau 5 năm thay sách theo chương trình GDPT 2018. Theo đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK với mô hình một chương trình - nhiều bộ sách, từ năm học 2020-2021, Việt Nam có 3 bộ SGK theo chương trình GDPT 2018 là Cánh Diều (NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, TPHCM), Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam phát hành).
Bộ GDĐT đánh giá, công tác xã hội hóa biên soạn SGK thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo với tổng số 2.656 tác giả gấp 3 lần số tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình GDPT năm 2006. Với việc biên soạn SGK cuốn chiếu trải dài 5 năm, công tác thực nghiệm đã được thực hiện ở hơn 2.000 lớp của trên 600 trường học với hơn 9.000 tiết học. Có gần 74.000 học sinh tham gia học thực nghiệm, từ việc thực nghiệm với các bản mẫu, SGK đã được hoàn thiện; có tới gần 246.000 lượt giáo viên và hơn 3.000 lượt giảng viên tham gia đọc, góp ý cho SGK chương trình mới. Sách được kiểm duyệt qua các vòng bởi hội đồng thẩm định với hơn 1.400 người. Cùng đó, Bộ GDĐT còn mời các chuyên gia độc lập đọc rà soát và phản biện. Đây là yêu cầu của một quy trình được thiết lập chặt chẽ hơn so với trước đó với số lượng người tham gia rất lớn.
Dẫu thế, nhiều tồn tại trong xã hội hóa biên soạn SGK cũng đã được chỉ ra. Đơn cử như đại diện Sở GDĐT Nam Định phản ánh, việc cung cấp bản mẫu SGK để các trường tổ chức đọc, góp ý còn chưa kịp thời; thời gian đọc ngắn, đặc biệt mỗi giáo viên cấp tiểu học góp ý 6 môn học, với mỗi môn có từ 3 - 5 bộ sách khiến hiệu quả góp ý chưa cao. Hoặc liên quan đến lựa chọn SGK, Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho biết, có số môn học lựa chọn ở THPT chỉ có một giáo viên (mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, giáo dục công dân…) nên việc lựa chọn SGK dễ mang tính chủ quan. Nhiều thông tư lựa chọn SGK được thay đổi trong các năm gây khó khăn cho các trường, vì luôn phải cập nhật và làm theo thông tư mới. Một số nội dung trong thông tư hướng dẫn, lựa chọn SGK của Bộ GDĐT quy định chưa rõ ràng (đặc biệt là quy định về tổ chuyên môn đối với cấp tiểu học) gây khó khăn khi thực hiện.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nêu khó khăn, khi thời gian đọc góp ý của giáo viên cần tăng thêm và việc đọc góp ý nên theo tổ chuyên môn thay vì cá nhân giáo viên đề đảm bảo khách quan. Cùng đó, ý kiến một số Sở GDĐT mong muốn với những bản mẫu SGK mới cần được tiếp cận sớm với bản mẫu giấy – thay vì phải đọc bản mềm; việc chuyển trường trong quá trình học tập của học sinh giữa các địa phương gặp khó khăn do không đồng bộ trong việc học tập các bộ SGK khác nhau…
Đại diện Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cũng nêu khó khăn trong việc dự báo nhu cầu và triển khai in ấn phát hành SGK so với chương trình cũ. Đơn vị này đề nghị Bộ GDĐT ban hành kế hoạch tổ chức thẩm định sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả và các đơn vị có bản mẫu SGK trình thẩm định. Cần xây dựng bộ tiêu chí thẩm định cho từng môn học/hoạt động giáo dục để phù hợp hơn thay vì một bộ tiêu chí được áp dụng cho tất cả các môn như hiện nay.
Thực hiện quy định về giá tối đa
Liên quan đến việc giá SGK xã hội hóa cao hơn SGK chương trình cũ trước đó, đại diện một số sở GDĐT cho rằng điều này đã gây khó khăn cho những gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam, giá SGK của các đơn vị phát hành có sự chênh lệch tương đối nhiều. Giá SGK của các đơn vị khác cao hơn giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam trên 20% (tính theo giá bìa), thậm chí có tên sách giá cao gấp đôi (sách Tiếng Anh 1, 2). Được biết, năm học 2024-2025, Bộ GDĐT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong biên soạn, biên tập, in SGK theo Chương trình GDPT 2018. Bộ cũng chỉ đạo các NXB kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá SGK, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. NXB Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán SGK từ lớp 1 đến lớp 12 (trong đó các lớp 5, 9, 12 lần đầu xuất bản, các lớp khác là tái bản). Cụ thể, giá bìa mới của bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%; giá bìa bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%...
Trong báo cáo đánh giá, Bộ GDĐT cho biết khi đang áp dụng việc kê khai giá SGK theo Luật Giá, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính đã rà soát các phương án và đề nghị các đơn vị xuất bản thực hiện tối đa cắt giảm các chi phí chung nên giá SGK đã hạ nhiệt.
Báo cáo của Bộ GDĐT cũng nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn SGK. Riêng về cơ chế, chính sách, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các văn bản quy pháp pháp luật để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, ban hành quy định về giá tối đa của SGK theo quy định của Luật giá. Xây dựng, đề xuất Chính phủ và Quốc hội để có cơ chế để in ấn, phát hành SGK tiếng dân tộc, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh được biên soạn bằng ngân sách Nhà nước; tiếp tục chỉ đạo việc xuất bản SGK chữ nổi Braille và SGK điện tử…