Sau nhiều tháng giảm giá mạnh, giá tôm tại các tỉnh thành miền Tây đã bắt đầu tăng 50.000 – 100.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Giá tăng khiến người nuôi phấn khởi, tuy nhiên nông dân cũng không còn tôm để bán.
Hơn 1 tuần nay, giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu bất ngờ tăng nhanh khiến người nuôi phấn khởi, nhưng cũng tiếc nuối vì không còn tôm để bán.
Hiện tôm sú oxy (tôm sú sống bắt tại ao nuôi cho thở oxy) loại 30con/kg dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg (tăng trên 50.000đồng/kg); tôm sú loại 20con/kg giá từ 290.000 đến 300.000/kg (tăng từ trên 100.000 đồng/kg so với khoảng 10 ngày trước); tương tự giá tôm thẻ cũng tăng, loại 30 con/kg, giá 150.000 (tăng gần 20.000 đồng/kg).
Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu chia sẻ, giá tôm tăng làm là tín hiệu đáng mừng, đồng thời kỳ vọng thị trường cuối năm, giá sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu sử dụng lớn. Tuy vậy, điều đáng tiếc hiện nay là giá tăng nhưng nông dân không còn tôm để bán. Bởi một bộ phận nông dân sợ thua lỗ nên treo ao, một số khác cắt bán size cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.
Theo các thương lái thu mua tôm, giá tômtăng mạnh trong những ngày qua là do thị trường tiêu dùng gia tăng, Nhu cầu xuất đi Hà Nội cùng một số tỉnh phía Bắc và xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt, trong khi nguồn cung hạn chế, đã tác động đến việc giá tôm tăng trong những ngày qua.
Theo tìm hiểu của PV, dù giá tôm tăng, nhưng người nuôi tôm vẫn còn dè dặt trong việc thả tôm nuôi trở lại. Anh Dương Tùng Lâm, hộ nuôi tôm ở ấp Cái Tràm, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi cho biết: Có nhiều nguyên nhân như: Khoảng 60 - 70% số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thiếu vốn, nhưng họ không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phần lớn trong số này mua nợ vật tư đầu vào từ đại lý. Trong khi thời gian qua, do giá tôm giảm mạnh, việc thu hồi nợ khó khăn nên các đại lý cũng thu hẹp khoản đầu tư cho các hộ này. Bên cạnh đó, người nuôi chưa thực sự mặn mà nuôi mới trở lại.
Ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoà Bình cho biết, toàn huyện có gần 20.000ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi theo mô hình thâm canh – bán thâm canh trên 10.300 ha, mô hình quảng canh cải tiến trên 7.670 ha, còn lại là nuôi theo mô siêu thâm canh. Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu sụt giảm khiến người nuôi thêm nặng gánh, từ đó nhiều hộ treo ao.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong điều kiện hiện nay, người nuôi tôm cần nắm tình hình thị trường, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thả nuôi vụ mới. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm nuôi thưa, rải vụ để nắm nhu cầu nhà máy. Cùng với đó là áp dụng các biện pháp giảm chi phí trong nuôi tôm đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo như: Kiểm soát thức ăn; giảm mật độ tôm nuôi; hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học khi chưa thực sự cần thiết.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 140.000 ha nuôi trồng thủy, cho sản lượng trên 343.000 tấn/ năm, đứng thứ hai trên phạm vi cả nước. Nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ được tỉnh Bạc Liêu xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều mô nhiều mô hình nuôi như: Nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng….