Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Giá trị thương phẩm văn hóa

Nam Việt 08/06/2024 08:30

Phát biểu tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu phấn đấu là công nghiệp văn hóa tới năm 2030 sẽ đóng góp 7% GDP của cả nước. Tuy nhiên, làm gì để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển lại không dễ dàng.

Bà Trần Thị Hồng Thanh (đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch. Đó cũng là băn khoăn của nhiều người, vì rằng không thể chỉ mở mang công nghiệp văn hóa một cách hình thức, chạy theo phong trào, nhân danh sáng tạo nhưng lại chỉ là “sân chơi” hay là dự án của một số người. Vấn đề phải là hiệu quả thực sự, trên cơ sở hoạt động văn hóa để tạo ra của cải vật chất.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, Bộ VHTTDL trực tiếp quản lý nhà nước 5 ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa. Vậy tới nay, đã đạt được gì?

Về biểu diễn nghệ thuật, chúng ta có “chạnh lòng” không khi chỉ với 2 đêm diễn ở Hà Nội, nhóm BlackPink đã có doanh thu 13.660.064 USD (hơn 333,4 tỷ đồng)? Còn với điện ảnh, bao nhiêu năm qua vẫn loay hoay về chuyện phim được Nhà nước tài trợ và phim tư nhân. Tới nay, phim Việt Nam đã có 19 lần gửi tham dự giải Oscar (bắt đầu từ năm 1993), nhưng chưa được bất cứ một giải nào. Về mỹ thuật, hào hứng với tranh Việt được tìm kiếm ở thị trường nước ngoài, nhưng cũng chỉ gói lại trong tranh của thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật Kháng chiến từ nửa đầu thế kỷ XX. Còn với mỹ thuật đương đại, ngay đến thị trường tranh trong nước đã hình thành hay chưa, thì vẫn còn bàn cãi...

Theo Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thì tới nay du lịch văn hóa mới đóng góp 10-15% trong tỷ trọng du lịch, chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, nhiều ý kiến tại tọa đàm do Thành ủy Hà Nội tổ chức với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” lại cho biết, đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa, người Việt vẫn dành sự ưu ái cho sản phẩm “ngoại” nhiều hơn “nội”. Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cùng với đầu tư, thì trong lĩnh vực này cần chú trọng đến việc đào tạo con người mà trước đây nhiều ngành công nghiệp văn hóa đã “bỏ quên”.

Văn hóa theo nghĩa rộng, công nghiệp văn hóa trong ý nghĩa cụ thể mang tính thời cuộc, thì cuối cùng vẫn phải là có đi vào đời sống hay không và lợi ích mang lại thực sự cho cộng đồng là gì. Nếu chỉ chạy theo phong trào như là mốt thời thượng thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

Có thể nêu một ví dụ cụ thể, đó là việc triển khai mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương trọng điểm phát triển du lịch trong cả nước. Trả lời chất vấn của ĐBQH, chính tư lệnh ngành VHTTDL cũng cho rằng mới có “tín hiệu tích cực bước đầu”; còn có khi "không làm thì thiếu nhưng làm xong lại bỏ", rất lãng phí. Thực tế có những địa phương đã đưa vào hoạt động kinh tế du lịch đêm, nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì lượng khách hạn chế, không bán được hàng.

Cũng chính vì thế mà đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn ĐBQH Lạng Sơn) đã thẳng thắn đặt vấn đề với Bộ trưởng VHTTDL, rằng thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới thế nào? Hay có thể hiểu một cách đơn giản là làm tiếp hay bỏ.

Theo UNESCO cũng như Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), thì công nghiệp văn hóa là kết hợp sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa phải gắn với công nghệ kỹ thuật số tân tiến, hiện đại để tạo ra giá trị thương phẩm văn hóa, dịch vụ và vốn đầu tư.

Như vậy, xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa không đơn giản, nó phải là liên ngành văn hóa - kinh tế mang tính tổng hợp. Không chỉ là một vài cuộc biểu diễn, vài ba cuộc trưng bày, triển lãm... là xong, mà phải được nhìn nhận theo chiều sâu, đòi hỏi phải có bước đi cụ thể, thực chất. Nhưng xem ra, ở ta, điều đó đang còn rất thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị thương phẩm văn hóa