Ngày 2/12, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan của Việt Nam và Hà Lan về Chương trình chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình hợp tác Việt Nam- Hà Lan về Chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời, thảo luận giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà quản lý về sự cần thiết của chương trình hợp tác và xác định yêu cầu cụ thể. Từ đó, xây dựng và thực hiện chương trình và thảo luận về tầm nhìn và quan điểm trong việc xây dựng chương trình hợp tác và đề xuất khả năng hợp tác giữa các bên...
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hà Lan là quốc gia có diện tích nhỏ, có diện tích và dân số tương tự vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Lan cũng có vùng đất thấp nhưng phát triển rất mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Hà Lan đứng thứ 2 trên thế giới.
Với sự tương đồng của Việt Nam và Hà Lan trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam rất mong muốn có những chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có các vấn đề về quy hoạch, quản trị, về đầu tư xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là đầu tư xây dựng chuỗi giá trị chủ lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức của biến đổi khí hậu...
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, mục tiêu chính của hội thảo lần này là lấy ý kiến của các bên liên quan, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia độc lập, các doanh nghiệp các tổ chức quốc tế quan tâm, các địa phương cung cấp thông tin cùng xây dựng các địa bàn chuyển đổi nông nghiệp trong giai đoạn mới. Sau khi hoàn thiện báo cáo, hai bên sẽ tổ chức hội nghị tham vấn cấp cao gồm lãnh đạo địa phương, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và thống nhất các lộ trình thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa thủ tướng 2 nước...
Theo ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, chuyển đổi nông nghiệp như một phần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam dựa trên Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long được thành lập thông qua hợp tác thành công giữa Việt Nam và Hà Lan.
Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đưa ra giải pháp cho vấn đề trên chuyển đổi sang một hệ thống kinh doanh nông nghiệp bền vững mới để mang lại sự thịnh vượng cho đồng bằng trong tương lai. Một mô hình thích ứng gắn với mục tiêu dài hạn và các quyết định ngắn hạn, ngoài ra cũng cần đảm bảo cải thiện đời sống nông nghiệp của các hộ nông dân và sự phát triển của Hợp tác xã.
Phát triển môi trường bền vững bằng cách tôn trọng các quy tắc tự nhiên và dần dần đưa ra các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn để đảm bảo mang đến những tác động quan trọng cho tương lai kinh tế - xã hội của đồng bằng mà cụ thể là người dân và môi trường. Đây là cách tiếp cận mang tính bền vững đòi hỏi sự cải cách lớn về mặt chính sách và đầu tư tài chính.