‘Giải pháp đột phá? Tôi chưa nghĩ ra...’

Bài ảnh: Trần Duy Hưng 06/07/2017 19:53

Đó là câu trả lời có phần thật thà của Chủ tịch UBND TP Nam Định Lê Quốc Chỉnh khi được đại biểu HĐND tỉnh Nam Định đặt câu hỏi “Có giải pháp đột phá nào không để quản lý, kiểm soát tốt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn?”...

Đại biểu Lương Hùng Tiến: “Trước mắt Chủ tịch UBND TP Nam Định có giải pháp nào đột phá không?”

Cụ thể, hôm nay, 6/7, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nam Định khóa 18, đại biểu Lương Hùng Tiến (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh) phản ánh, qua tiếp xúc, nhiều cử tri TP Nam Định phản ánh việc giết mổ gia cầm tại các chợ của thành phố diễn ra công khai, liên tục nhưng không có sự kiểm soát; việc giết mổ gia súc thì diễn ra chủ yếu ở các hộ gia đình, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh. Từ đó, đại biểu này đề nghị Chủ tịch UBND TP Nam Định làm rõ thêm thực trạng này ở thành phố, đồng thời cho biết các giải pháp chấn chỉnh của chính quyền?

Đăng đàn trả lời nội dung chất vấn trên, Chủ tịch UBND TP Nam Định Lê Quốc Chỉnh cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 10 gia trại chăn nuôi, trong đó có 5 gia trại chăn nuôi gia cầm, 4 gia trại chăn nuôi lợn, 1 gia trại chăn nuôi bò, còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ ngay tại hộ gia đình..

Về hoạt động giết mổ, ông Lê Quốc Chỉnh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 3 cơ sở giết mổ lợn tập trung, 95 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (36 cơ sở giết mổ lợn, 53 cơ sở giết mổ gia cầm,3 cơ sở giết mổ trâu bò, 3 cơ sở giết mổ chó mèo...).

“Qua kiểm tra, hầu hết hoạt động giết mổ đều diễn ra tại gia đình, tận dụng ngay tại bếp, tại sân, tại nền gạch; các điều kiện giết mổ đều không đáp ứng các yêu cầu đảm bảo vệ sinh, tiêu thụ luôn tại các chợ. Hoạt động giết mổ đều diễn ra vào ban đêm, kết thúc vào đầu giờ sáng do vậy rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Cho đến nay, phần lớn các cơ sở khi được kiểm tra đều không có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường...”, ông Chỉnh nêu thực tế.

Về việc tiêu thụ, ông Chỉnh cho biết, hiện một ngày thành phố Nam Định tiêu thụ từ khoảng từ 30-35 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Khoảng 50% trong số này do thành phố tự đáp ứng, số còn lại được nhập về từ các huyện trong tỉnh và các tỉnh ngoài...

Về hoạt động kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, theo quy hoạch, thành phố có 20 chợ, trong đó có 2 chợ hạng I, 2 chợ hạng II, 16 chợ hạng III. Thực hiện quy hoạch, trên cơ sở đề nghị của thành phố, ngày 9/10/2006, UBND tỉnh đã có thông báo cho phép thành phố xây dựng chợ đầu mối và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tại phía Tây thành phố.

“Sau đó, chủ đầu tư đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây hàng rào, lắp đặt một số dây chuyền giết mổ, dự kiến đến tháng 2/2009 sẽ hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau đó dự án phải bỏ dở vì nhà đầu tư không đủ năng lực đầu tư tiếp. Chính vìvậy, đến nay thành phố vẫn chưa có hệ thống chợ đầu mối và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm...”, ông Lê Quốc Chỉnh thông tin.

Nhìn nhận tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm là việc cần thiết, là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, Chủ tịch UBND TP Nam Định nêu ra 6 giải pháp.

Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp về đầu tư để hoàn thành cơ sở giết mổ tập trung. Khuyến khích các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ thànhlập các tổ, các HTX; thực hiện liên doanh,liên kết để thành lập các cơ sở giết mổ tập trung, đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

“Tạo điều kiện, khuyến khích các hộ kinh doanh, buôn bán các sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ. Hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc cho người dân. Nâng cấp, sắp xếp lại các khu hàng cung cấp thực phẩm tại các siêu thị, các chợ truyền thống để đảm bảo vệ sinh...”, ông Chỉnh nêu thêm giải pháp.

Chủ tịch UBND TP Nam Định Lê Quốc Chỉnh: “Quả thật là tôi chưa nghĩ ra”.

Cùng với đó, theo Chủ tịch UBND TP Nam Định: Cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp; giữa cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ với tư nhân; quy hoạch, lựa chọn các vùng, các doanh nghiệp cung cấp gia súc, gia cầm cho trung tâm giết mổ tập trung. Hình thành chuỗi chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn và tạo mọi điều kiện để các sản phẩm của cơ sở giết mổ tập trung được tiêu thụ trên địa bàn...

Ông cũng cho rằng cần phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, giám sát, kiểm tra, kiểm dịch, đóng dấu “sản phẩm an toàn” từ khâu nguyên liệu, thu mua, đến giết mổ,tiêu thụ sản phẩm

Cuối cùng, theo ông Lê Quốc Chỉnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh, phát hiện, tố giác, kiên quyết xử lý và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau khi nghe Chủ tịch UBND TPNam Định trả lời chất vấn của mình, đại biểu Lương Hùng Tiến tỏ vẻ chưa thực sự hài lòng. Tiếp tục chất vấn, ông Lương Hùng Tiến cho rằng 6 nhóm giải pháp Chủ tịch UBND thành phố nêu ra đều là các giải pháp đã có từ rất lâu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc,gia cầm trên địa bàn thành phố lâu nay chưa có nhiều chuyển biến, vẫn tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Từ đó, đại biểu này đặt câu hỏi: “Với vai trò, trách nhiệm của mình, trước mắt Chủ tịch UBND thành phố có giải pháp nào mang tính đột phá không?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quốc Chỉnh nhìn nhận quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm làmột việc rất khó, phải có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành.

“Để quản lý, kiểm soát được, theo tôi cần phải có một giải pháp tổng thể, lâu dài, có lộ trình và phải thực hiện đầy đủ các giải pháp. Bây giờ đại biểu Lương Hùng Tiến hỏi tôi trước mắt có giải pháp đột phá nào không thì quả thật là tôi chưa nghĩ ra (hội trường cười ồ)”, ông Lê Quốc Chỉnh trần tình.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TPNam Định:“Có một giải pháp rất quan trọng là phải căn cứ vào cung và cầu. Theo đó, phải tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức, không sử dụng, tỏ rõ thái độ, tẩy chay những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn.

Cùng với đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chỉ cho phép những sản phẩm an toàn, có giấy chứng nhận xuất xứ rõ ràng mới được tiêu thụ...”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Giải pháp đột phá? Tôi chưa nghĩ ra...’