Mùa khô năm 2017, TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL xuất hiện nhiều trận mưa trái mùa. Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong thời gian chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, các trận mưa lớn có khả năng xuất hiện những trận giông, lốc xoáy, sấm sét gây thiệt hại tài sản và tính mạng con người...
Mưa chuyển mùa gây ngập đường phố.
Mưa trái mùa
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, người dân TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL đang đối mặt với khô hạn, không khí nóng bức với nhiệt độ 34 - 37OC. Do đó, thời gian này, người dân trông chờ những cơn mưa từng ngày. Tuy nhiên, trong thời điểm mùa khô, những trận mưa trái mùa và đầu mùa mưa thường kèm theo lốc xoáy, gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu...
Tháng 1/2017, cơn mưa trái mùa xuất hiện trên địa bàn TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) kèm theo lốc xoáy, làm sập 7 nhà dân ở phường Nhà Mát. Nhiều chòi canh tôm cũng bị lốc cuốn sập. Chính quyền địa phương huy động nhân công, vật chất giúp người dân dựng lại nhà mới.
Từ đầu năm 2017 đến nay, mưa trái mùa xảy ra ở các tỉnh, thành miền Tây trong đó, TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, Kiên Giang,… đều có mưa lớn xuất hiện trên diện rộng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ khoảng giữa tháng 4/2017, khu vực ĐBSCL có khả năng xuất hiện các đợt mưa chuyển mùa. Thời gian này, thời tiết hết sức cực đoan. Có thể xuất hiện những cơn mưa lớn đến rất lớn xuất hiện cục bộ trong thời đoạn ngắn; gió lớn, lốc xoáy, sấm sét xuất hiện vào thời kỳ chuyển mùa...
Năm 2016, vào thời điểm chuyển mùa, người dân ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) hứng chịu cơn lốc xoáy vào đầu tháng 5 đã làm 8 căn nhà ở khu vực Tân Lợi 1 và Tân Lợi 2, phường Tân Hưng bị sập hoàn toàn; 1 căn nhà ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên bị tốc mái. Lốc xoáy còn làm tốc mái hoàn toàn kho sản xuất, trang trại chăn nuôi của người dân và ngã đổ hoàn toàn hơn 1 ha hoa màu của bà con ở phường Tân Hưng gây thiệt hại tài sản trên 250 triệu đồng. Rất may, cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy không thiệt hại về người.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Thốt Nốt huy động lực lượng giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Trong thời điểm chuyển mùa (cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2016), tại các xã Thới Hưng, Trung An và Trung Thạnh thuộc huyện Cờ Đỏ xuất hiện mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm sập hoàn toàn 5 căn nhà và làm tốc mái 13 căn. Ước thiệt hại gần 180 triệu đồng cùng nhiều diện tích lúa, hoa màu bị đỗ ngã. Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ giúp người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp, di dời đồ đạc và dựng lại nhà ở.
Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khuyến cáo: Thời gian này, người dân nên hạn chế dùng nước mưa của những cơn mưa trái mùa vì nước mưa mang theo nhiều chất độc hại, bụi ô nhiễm. Không cho trẻ em tắm nước mưa, không sử dụng nước mưa cho ăn uống... Ngoài ra, do chuẩn bị sang thời kỳ chuyển mùa nên khí quyển bất ổn dịnh, mưa xuất hiện sẽ có nhiều giông lốc, sấm sét xuất hiện cần phải đề phòng khi đi trong mưa.
Giải pháp phòng tránh
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa bão trong năm nay sẽ chính thức bắt đầu giữa tháng 5/2017 cho đến đầu tháng 6/2017. Các cơn mưa xuất hiện ngoài khoảng thời gian này là mưa trái mùa và chuyển mùa. Một hiện tượng thời tiết dễ nhận thấy trong thời gian thời tiết chuyển mùa, xen kẽ những ngày mưa là những ngày nóng oi bức có xuất hiện những cơn mưa đột ngột và thường kèm theo lốc xoáy và sấm sét, thậm chí có cả vòi rồng...
Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết này, Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa an toàn để phòng các hiện tượng mưa kèm theo giông, lốc xoáy; kiểm tra, di dời hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; tăng cường mở các lớp phổ cập bơi cho trẻ em, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước...
Ông Bùi Quang Minh, chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Mưa kèm theo lốc xoáy thường xảy ra vào buổi chiều và tối trong thời gian thời tiết chuyển mùa cho đến khi kết thúc mùa mưa. Hiện tượng này xuất hiện cục bộ trong thời gian ngắn nên rất khó dự báo. Để chủ động phòng tránh, các địa phương cần chủ động kiểm tra, gia cố các công trình, chằng chống, gia cố nhà cửa trước mùa mưa, nhất là đối với các nhà cấp 4, nhà mái tol, vách lá...”.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, để phòng tránh sét đánh, khi xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình hạ tầng khác, đơn vị và người dân cần phải bố trí các thiết bị chống sét (cột thu lôi). Khi có hiện tượng thời tiết mây giông trước mưa, người dân đang đi ngoài đường hoặc đang làm việc ngoài đồng trống phải khẩn trương về nhà hoặc tìm các nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không nên trú ẩn tập trung đông người dưới gốc cây cao, nơi trống trải, đồng thời phải tránh xa các vật dụng làm bằng kim loại như: Hàng rào sắt, xe đạp, xe gắn máy, cột điện, cột ăngten, cột thu lôi, nông cụ sản xuất...
Đặt biệt, khi có nhiều người, không nên đứng chung, không đứng ở những nơi có địa hình cao. Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào thì nên lập tức cúi người xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.
Đối với người ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như bồn tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có gió mạnh gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền, nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m...
Hằng năm, TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung đều bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Do đó, biện pháp phòng tránh thiên tai, mưa kèm theo lốc xoáy... là việc làm cần thiết mà các địa phương trong khu vực ĐBSCL và người dân cần nghiêm túc thực hiện. Có như vậy, mức thiệt hại mới giảm thiểu, đời sống người dân ít bị tác động do thiên tai, lốc xoáy... gây ra.