Bắc Ninh được biết đến là một trong những địa phương có các khu, cụm công nghiệp và các làng nghề tập trung đông nhất cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội trong phát triển kinh tế thì tình trạng ô nhiễm ở các khu công nghiệp, làng nghề khiến chính quyền đang phải loay hoay tìm cách giải quyết.
Nhiều làng nghề, khu công nghiệp gây ô nhiễm sẽ được di dời đến khu vực tập trung.
Tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi, nước thải còn cao do việc sản xuất còn mang tính tự phát, sử dụng công nghệ thủ công lạc hậu, chắp vá, mặt bằng sản xuất chật chội, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa được quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân làng nghề còn kém trong khi thiếu cơ chế quản lý, chưa có chế tài đủ mạnh đối với những hộ làm nghề thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong các cụm công nghiệp và làng nghề, năm 2016, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015- 2020; phối hợp xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải; Đặc biệt phối hợp tổ chức tập huấn về bảo vệ môi trường cho hơn 1000 cán bộ MTTQ và cán bộ các ban, ngành trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, khu dân cư làm điểm xây dựng mô hình về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, UBMTTQ huyện Quế Võ đã tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật đối với việc xử lý chất thải tại công ty TNHH Môi trường Hà Ngọc, công ty TNHH Môi trường Sao Sáng; UBMTTQ huyện Gia Bình tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại rác thải ở các KDC trên địa bàn các xã, thị trấn...
Thông qua các cuộc giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát hiện một số nội dung có liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách với người lao động trong thu gom và xử lý chất thải; việc vận chuyển chất thải đến lò đốt rác tập trung, vấn đề nước thải và xử lý nước ra hệ thống, bụi trong sản xuất tại các làng nghề…
Ban TTND trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã giám sát được trên 1.200 vụ việc về thực hiện chính sách pháp luật, công tác bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, làng nghề, công tác phân loại và xử lý chất thải, nước thải, khí thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề. Trong quá trình giám sát đã phát hiện được 190 vụ việc có dấu hiệu vi phạm và đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết được trên 175 vụ việc.
Theo ông Hà Sĩ Tiếp, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh, thực hiện nhiệm vụ giám sát trong bảo vệ môi trường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được trên 1.400 vụ việc liên quan đến môi trường, vấn đề xả thải và phân loại chất thải, việc xây dựng các công trình trên địa bàn có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, của cộng đồng.
Qua giám sát, Ban giám sát đã phát hiện được gần 100 vụ việc vi phạm không đảm bảo vệ sinh môi trường. Điển hình như các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng huyện Gia Bình đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền, chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung các nội dung về quy hoạch xây dựng chi tiết việc xử lý nước thải sinh hoạt, giao đất dân cư dịch vụ và bảo vệ môi trường.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, trong thời gian tới, UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc kiểm tra, giám sát; cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giám sát của nhân dân đối với các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp và làng nghề.
“Mặt trận sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề trong việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm chỉnh mục tiêu “100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định thì di dời vào cụm công nghiệp làng nghề, hoặc chấm dứt hoạt động”, ông Hà Sĩ Tiếp cho biết.