Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM vừa lý giải về việc giảm 5.300 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm học 2024 - 2025.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 30 trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, có 19 trường đã được công nhận đạt chuẩn năm 2020 và đang tiến hành thực hiện hồ sơ công nhận lại vào năm học 2024. Do đó, các trường này cần giảm quy mô để đủ điều kiện được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, nhằm thực hiện bộ tiêu chí công nhận chuẩn nông thôn mới về giáo dục, UBND 5 huyện thực hiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn quốc gia năm học 2024 - 2025 cho tất cả các trường THPT trên địa bàn, do đó chỉ tiêu tuyển sinh cũng giảm.
Sở GDĐT TPHCM cho hay, việc xác định tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 công lập là căn cứ vào định hướng phân luồng học sinh. Cụ thể là căn cứ vào khoản 2 Điều 1 - Quyết định số 522 ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Như vậy, đến 2025 số học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông (công lập và tư thục) đạt tối đa là 60%.
Đơn cử như tại Hà Nội, nhiều năm trở lại đây chỉ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học ở các trường THPT công lập. Sức ép từ kỳ thi này luôn khiến cuộc đua vào lớp 10 tại Thủ đô căng thẳng. Năm học 2024 - 2025, để bảo đảm thêm chỗ cho học sinh, Sở GDĐT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, tổng chỉ tiêu tuyển mới lớp 10 vào các loại hình trường năm nay đều tăng. Tổng chỉ tiêu trường THPT công lập tăng gần 1.500 so với năm trước; đáng kể như hệ thống các trường THPT chuyên tăng 490 chỉ tiêu. Nhiều trường THPT công lập tăng chỉ tiêu cả ở nội thành và ngoại thành. Để thực hiện việc tăng chỉ tiêu, Sở GDĐT Hà Nội đã đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc Sở quản lý.
Đồng thời, Sở GDĐT Hà Nội cũng đưa ra một giải pháp nhằm chấm dứt hiện tượng chen chân xếp hàng xuyên đêm ở một số trường công lập tự chủ để nộp hồ sơ xét tuyển lớp 10 là yêu cầu 100% trường tư thục, trường công lập tự chủ nhận hồ sơ dự tuyển của học sinh theo hình thức trực tuyến; đồng thời quy trách nhiệm người đứng đầu nếu vi phạm.
Chủ trương phân luồng học sinh, đặc biệt là đưa học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, sớm tham gia vào thị trường lao động là xu hướng phù hợp song thực tế cho thấy, trong khi cuộc đua vào lớp 10 công lập luôn căng thẳng, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tương đối vắng vẻ. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em đi theo con đường đã được lập trình sẵn như vào trường THPT công lập, rồi vào đại học. Đây chính là một trong những rào cản khiến cho việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS gặp khó khăn. Không ít giáo viên chủ nhiệm bậc THCS tại Hà Nội chia sẻ, có những thí sinh sau khi phân tích năng lực thực tế, nhà trường định hướng đưa các em vào diện phân luồng học nghề do học lực yếu nhưng cả học sinh và gia đình đều bày tỏ nguyện vọng xin được làm hồ sơ thi vào THPT bằng mọi giá.
Trong khi đó, hiện nay tại Hà Nội và TPHCM có rất nhiều trường nghề uy tín, bắt tay với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, đảm bảo cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường cho người học. Như vậy, sau học nghề, người học tham gia thị trường lao động sớm, ổn định cuộc sống.
Điều này cho thấy, cánh cửa vào lớp 10 THPT công lập không phải là duy nhất.