Giảm gánh nặng chi phí cho lao động xuất khẩu

Khanh Lê 07/04/2023 06:26

Theo khảo sát số tiền nộp và số vay nợ trung bình của thực tập sinh kỹ năng Việt Nam khi đi làm việc tại Nhật Bản là 670.000 yen (khoảng 120 triệu đồng). Đây là mức cao nhất trong 15 nước phái cử lao động sang Nhật Bản. Vậy cách nào để giảm gánh nặng chi phí cho lao động xuất khẩu?

Chi phí đi làm việc tại Nhật của lao động Việt Nam đứng ở tốp cao so với các nước.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc tại Nhật Bản và đều mong muốn được học hỏi thêm và làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn lao động Việt đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

Một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản. Việc trả phí tuyển dụng cao làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí một số trường hợp bị vướng vào mua bán người.

Trước thực trạng trên bà Ikeda Setsuko – Chủ tịch Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA), cho biết hội đã triển khai “dự án phí Zero” ở Hà Tĩnh từ năm 2014 và đến nay hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh. “Dự án lựa chọn mỗi huyện hai học sinh xuất sắc và hỗ trợ học phí trong 4 năm từ lớp 9 cho đến hết trung học phổ thông và hiện thực hoá ước mơ đến Nhật Bản mà không phải vay nợ cho các em…” – bà Ikeda Setsuko cho hay.

Đánh giá về chương trình hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam – Nhật Bản, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013 lên 82.700 thực tập sinh năm 2019 (trước Covid-19), tăng hơn 8 lần. Riêng năm 2022, có gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Để giảm chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Hương cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật.

Với những thực tập sinh kỹ năng, hộ lý, lao động đặc định (người lao động tới Nhật Bản làm việc theo diện visa) khi đi làm việc tại Nhật Bản không phải trả tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền giáo dục định hướng.

Người lao động chỉ phải trả tối đa 1 tháng lương theo hợp đồng/1 năm làm việc, tối đa không quá 3 tháng lương và được trừ đi phần phí quản lý, phí dịch vụ do bên tiếp nhận chi trả. Đối với tiền đào tạo nghề, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, người lao động chỉ chi trả một phần theo quy định, đối với lao động đặc định thì bên tiếp nhận hỗ trợ toàn bộ.

Còn theo các chuyên gia, để giảm chi phí cho người lao động, các công ty tư nhân cần cải thiện môi trường tiếp nhận, chi trả chi phí dịch vụ, các doanh nghiệp dịch vụ không để môi giới can thiệp vào quá trình tuyển dụng và tuân thủ quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm gánh nặng chi phí cho lao động xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO