Theo nhận định của các chuyên gia, chất lượng lao động xuất khẩu (XKLĐ) vẫn còn nhiều điều đáng bàn dù hiện nay Việt Nam đã đưa lao động đi làm việc ở những thị trường chiến lược có thu nhập cao. Song con số này vẫn còn khá khiêm tốn và mới chỉ dừng ở một số thị trường ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
90% lao động đi làm việc ở nước ngoài tay nghề thấp
Trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài; lao động xuất khẩu có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước…Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, công tác tổ chức và quản lý xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay còn rất nhiều rủi ro, yếu kém. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp vẫn luôn là nỗi trăn trở lâu nay.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa lao động đi Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Lanh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai (TPHCM) cho biết, 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Xuất khẩu lao động nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.
Hà Tĩnh là địa phương có tỷ lệ người đi XKLĐ khá cao, nhờ đó việc giảm nghèo bền vững cũng đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Tĩnh, hiện nay lao động Việt Nam đa số chỉ tiếp cận thị trường lao động thấp, không có đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, còn tình trạng lao động bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp. Do đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần xây dựng quy hoạch, chiến lược đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.
"Cần có giải pháp tổng thể, chương trình xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2022-2030. Việc đưa lao động đi nước ngoài ở thị trường nào, ngành nghề nào, trình độ nào, quốc gia nào cũng cần có chiến lược dài hơi trong 5 năm, 10 năm và giao các bộ, ngành triển khai" - ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh đề xuất.
Xuất khẩu lao động không chỉ để giảm nghèo
Trả lời câu hỏi làm sao để nâng cao chất lượng nguồn lao động khi đi làm việc ở nước ngoài? Ông Lanh thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những chính sách, cơ chế thì giải pháp quan trọng để đẩy mạnh XKLĐ chính là phải thay đổi tư duy. Trước hết là ở phía người lao động (NLĐ), lâu nay NLĐ vẫn mang trong mình tâm thế đi xuất ngoại để đổi đời, với tâm lý này, họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khi về nước khó tìm việc làm, thậm chí thất nghiệp. Các cơ quan quản lý một lần nữa đau đầu giải bài toán việc làm cho NLĐ sau xuất khẩu.
Cùng với đó nhà nước cần có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỷ lệ lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại nước ngoài. Nhóm này sẽ là nguồn lực giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước về phục vụ cho quê hương.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lương Trào - nguyên Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Thậm chí, "đón lõng" sinh viên đại học, cao đẳng tham gia chương trình, ngành nghề cần loại hình lao động này.
Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Đình Quốc Cường - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần áp dụng chuyển đổi số cho hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia nhằm theo dõi biến động của lao động và chuyên gia sinh sống, làm việc ở nước ngoài; phân tích các ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn để định hướng, giải pháp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề phù hợp; kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động trong và ngoài nước. Đặc biệt, mỗi lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần được quản lý bằng mã định danh cá nhân để cập nhật biến động công việc ở nước sở tại. Từ đó, có thể tránh những vấn đề xảy ra như tình trạng lao động trốn ở lại nước sở tại, bị lừa hoặc mua bán bởi những kẻ buôn người, giúp người lao động tìm hiểu điều kiện lao động và mức lương tại các doanh nghiệp sử dụng lao động...
"Mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục tăng nhanh nhưng chất lượng còn thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ thấp nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Cụ thể, các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm); Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm)” - TS Nguyễn Thị Lài, Trường Đại học Kinh tế - Luật.