Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp không ít khó khăn nhưng chi phí logistic của Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới bởi chi phí cao kéo giá thành sản phẩm đi lên.
Tập đoàn AEON - nhà bán lẻ lớn đầu tư vào Việt Nam là đơn vị tích cực đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines nhưng khi đưa vào thị trường Nhật Bản giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.
Hay Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực Đông Nam Á dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Theo ông Giang, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới.
Thừa nhận thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) Trần Đức Nghĩa thông tin: Hiện chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải chi trả tới 20-25%. Ví dụ, một container gỗ trị giá 20.000 - 30.000 USD nhưng trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% (4.000 - 9.000 USD), điều này đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%. Hiện 90% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Chỉ ra hạn chế của doanh nghiệp logistics Việt, theo VLA, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics, và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điều đó dẫn đến ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.
Dù vậy, trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó, các chuyên gia sốt ruột cho rằng cần sớm đưa ra những giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, trung tâm dịch vụ logistics bởi đầu tư lĩnh vực này cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao. “Phải có cơ chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế”, ông Hiệp đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Sam Mo kiến nghị, Việt Nam nên hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử). Cụ thể, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.
Ở góc nhìn khác, giới chuyên gia cũng cho rằng giảm chi phí logistics cần thúc đẩy “logistics xanh”. Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Logicstics Việt Nam đề xuất, thời gian qua, giá các loại nhiên liệu xăng dầu, khí, than - là đầu vào của ngành vận tải tăng cao và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khả năng đứng ở mức cao thì tiết kiệm nhiên liệu là sẽ vừa giúp giảm chi phí, vừa giúp giảm thải ra môi trường.