Mặt trận

Giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm

Tiến Đạt - Quang Vinh 26/09/2024 12:39

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội để thống nhất các nội dung trong Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2025 của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.

42222b565e8cf8d2a19d.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Trình bày tóm tắt Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2025, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội cho biết, về yêu cầu, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải quán triệt và đáp ứng được các yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, chủ động, kịp thời giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, ưu tiên của Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội phải rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao, bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng.

4afde07696ac30f269bd.jpg
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2025. Ảnh: Quang Vinh.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, dự kiến trong năm 2025, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030; Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu thực tế theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam; Tham gia giám sát với các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan (theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch giám sát của các cơ quan liên quan)...

Đối với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, dự kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ giám sát việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, giám sát thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030...

a47895f1e32b45751c3a.jpg
4cc84abd3f679939c076.jpg
0f1c3787415de703be4c.jpg
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam dự kiến chủ trì Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Phản biện xã hội Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); Phản biện xã hội Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị...

Tại Hội nghị, đại diện Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2025, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

1175f6fc802626787f37.jpg
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, để chuẩn bị xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2025, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành công văn gửi Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội về việc đề nghị báo cáo rà soát kết quả giám sát và phản biện xã hội năm 2024 và đề xuất nội dung giám sát, phản biện xã hội năm 2025; đồng thời gửi công văn tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề xuất nội dung giám sát chuyên đề năm 2025.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được báo cáo rà soát và đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như nhận được 40/63 đề xuất của các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất từ Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban, đơn vị trong cơ quan, Ban Thường trực đã chỉ đạo Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội đã xây dựng Dự thảo kế hoạch trình Hội nghị lần này. Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2025 trước khi trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ghi nhận những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm